Từ tháng 11/2021 đến nay, ông D., giám đốc một công ty xây dựng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) liên tục "nóng mặt" vì các thông báo điều chỉnh giá bán từ tất cả đối tác cung ứng nguyên vật liệu.
"Từ sắt thép, nhôm kính, gỗ, nhựa đến thạch cao, điện đèn, gạch, thiết bị vệ sinh... đều tăng từ 10-25% tùy nhóm hàng. Thậm chí, một số nguyên vật liệu dù đã đặt hàng nhưng chưa thanh toán trước cũng bị hủy ngang vì thiếu hụt nguồn cung", ông D. nói với Zing.
Hụt hợp đồng, lỗ nặng
Theo ông D., do doanh nghiệp chuyên thi công các công trình dân dụng, đặc biệt là cải tạo nhà cửa, hàng quán, nên việc thương lượng với các chủ nhà gặp nhiều khó khăn.
"Có nhiều bên nghe báo giá xong là 'chạy' luôn, hoặc hẹn một thời gian sau giá cả ổn định hơn sẽ thi công, nhưng bản thân tôi là người trong ngành đã lâu cũng không dự đoán được bao giờ giá cả ổn định", ông D. chia sẻ.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng vọt khiến các nhà thầu gặp khó. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Phạm Văn Tuân, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Gia Phát cũng nhìn nhận khác với chủ đầu tư công trình lớn là các doanh nghiệp, tổ chức, chủ đầu tư công trình dân dụng là các chủ nhà với ngân sách eo hẹp thường đánh giá theo cảm tính hơn là nhìn vào công thức tính toán của nhà thầu.
"Chủ nhà chỉ biết là mức chào giá đang quá cao so với trước đây, khi chúng tôi giải thích do giá vật liệu tăng nên tổng chi phí xây dựng buộc tăng theo, họ liền ngưng luôn kế hoạch thi công. Việc chốt hợp đồng ở thời điểm hiện tại rất khó khăn", ông Tuân nói.
Theo vị này, vật giá đã leo thang từ cuối năm ngoái, khi nhu cầu xây dựng tăng cao mà nguồn cung toàn cầu chưa đáp ứng kịp. Đến nay, dưới tác động của chiến sự giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu càng đẩy mức giá cao hơn nữa. Ông ước tính tổng chi phí để xây dựng một căn nhà hiện tăng bình quân 15% so với hồi cuối năm.
"Có hợp đồng chúng tôi thương lượng được, nhưng cũng chỉ có thể bù đắp một phần mức tăng giá vật tư, còn đa số vẫn theo mức giá đã kí kết trước đây. Giá trị một hợp đồng xây dựng dân dụng vốn không lớn, nay lại lỗ nặng, may sao vẫn còn một số công trình còn giữ được chút ít lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp", ông Tuân tâm sự.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong bối cảnh hiện nay, cả các công ty xây dựng lẫn chủ đầu tư đều chịu thiệt hại nặng nề. Nếu năm ngoái chỉ có sắt thép tăng giá, thì nay tình trạng này diễn ra với tất cả hàng hóa, nguyên vật liệu.
Nhà thầu có nền tảng tài chính và khả năng kiểm soát giá tốt có thể có chịu đựng trong 6 tháng đến 1 năm. Còn doanh nghiệp yếu chỉ duy trì được trong ngắn hạn.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group
"Nhà thầu có nền tảng tài chính và khả năng kiểm soát giá tốt có lợi thế hơn, có thể có chịu đựng dài hơi trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Còn doanh nghiệp yếu chỉ duy trì được trong ngắn hạn", ông Phúc nhìn nhận.
Ông phân tích nhà thầu lớn thường có mối quan hệ lâu năm với các nhà cung cấp nguyên vật liệu, kí hợp đồng kì hạn đặt mua trước số lượng lớn vật liệu với giá không đổi trong thời gian dài.
Trong khi đó, nhà thầu nhỏ không có tài chính để tích trữ nguyên vật liệu, cũng không có khối lượng đơn hàng lớn để mua nguyên vật liệu với giá tốt.
Đơn cử tại Newtecons, đại diện đơn vị này cho biết cũng bị ảnh hưởng bởi diễn biến thị trường nhưng chưa đáng kể, do doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó từ sớm.
Giá tăng đến bao giờ vẫn là ẩn số
Ẩn số lớn nhất với các doanh nghiệp hiện tại, theo vị Tổng giám đốc Phú Đông Group, là tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và mức kinh phí dự trù của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Tuân cho rằng đây là câu chuyện của vài năm nữa, bởi kể cả khi chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc, thế giới vẫn cần một khoảng thời gian để bình ổn trở lại.
Các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng đang hoang mang vì không dự đoán được giá vật liệu xây dựng còn tăng đến bao giờ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Tuy nhiên, từ giờ cho đến khi đó, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có lẽ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận mức giá này hơn", ông Tuân nói.
Trong bối cảnh này, ông Ngô Quang Phúc cho rằng các chủ đầu tư sẽ phải cơ cấu lại giá bán đầu ra để chia sẻ với nhà thầu, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Điều này sẽ nâng mặt bằng giá trong thời gian tới.
Dù khó khăn nhưng theo ông, nguyên nhân sự việc vẫn là yếu tố khách quan bên ngoài đất nước nên Chính phủ sẽ khó can thiệp để điều tiết lại thị trường ngay lập tức. Nhưng từ đây, tầm quan trọng của việc sản xuất các nguyên nhiên vật liệu trong nội địa càng được thấy rõ. Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất bằng cách giảm thuế hoặc ưu đãi lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8-2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn.
Không chỉ thép, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước cũng tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000-120.000 đồng/tấn trong thời gian tới.