Giá vàng trong nước giữ xu hướng trầm lắng trước biến động của giá vàng thế giới. Ảnh: Chí Hùng. |
Trái ngược với xu hướng tích cực của giá vàng thế giới khi được hưởng lợi từ báo cáo CPI tháng 4 của Mỹ, giá vàng trong nước lại đang chứng kiến xu hướng trầm lắng đối với cả mặt hàng vàng miếng và vàng nhẫn.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (11/5), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua (10/5).
Đến 10h, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 50.000 đồng, niêm yết tại vùng 66,6 - 67,2 triệu/lượng. Đây là diễn biến tương tự mà vàng miếng SJC ghi nhận trong các phiên giao dịch đầu tuần này.
Cũng giữ xu hướng đi ngang, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99 hiện được niêm yết ở 56,45 triệu/lượng (mua) và 57,45 triệu đồng (bán).
Nếu so với 1 tháng trước, người mua vàng miếng SJC hiện đã chịu khoản lỗ gần nửa triệu đồng, và không ghi nhận lợi nhuận với mặt hàng vàng nhẫn.
Cũng trong sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận giá vàng miếng trầm lắng, hiện giao dịch ở mức 66,6 - 67,15 triệu/lượng, giữ nguyên ở chiều bán và tăng 50.000 đồng ở chiều mua so với cuối ngày hôm qua.
Với sản phẩm vàng nhẫn tròn trơn, giá niêm yết của PNJ hiện ở mức 56,55 - 57,65 triệu/lượng, tiếp tục đi ngang so với ngày hôm qua.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng miếng hiện phổ biến giao dịch ở mức 66,5 - 67,1 triệu/lượng, không đổi so với chốt phiên 10/5; trong khi Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu đưa ra mức giá 66,57 - 67,13 triệu/lượng với mặt hàng này, tăng nhẹ so với cuối ngày hôm qua.
Vùng 57,6 triệu/lượng là vùng giá được các doanh nghiệp vàng phổ biến niêm yết với mặt hàng vàng nhẫn sáng nay. Trong đó, Tập đoàn Phú Quý đưa ra mức 56,65 - 57,6 triệu/lượng cho vàng nhẫn tròn trơn 24K 99,99, tăng 100.000 đồng cả hai chiều; giá vàng Rồng Thăng Long tại Bảo Tín Minh Châu hiện phổ biến ở 56,58 - 57,58 triệu/lượng; DOJI chấp nhận giao dịch tại vùng 56,5 - 56,45 triệu/lượng, tăng 50.000 đồng cả hai chiều…
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện niêm yết ở mốc 2.032 USD/ounce, tăng 2,7 USD so với phiên liền trước. Quy đổi ra tiền Việt, giá vàng thế giới tương đương 57,94 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng miếng SJC trong nước hiện vẫn trên 9 triệu đồng/lượng.
Báo cáo lạm phát mới đây cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ đã tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khiến nhà đầu tư "nhẹ nhõm" hơn khi con số lạm phát không tăng cao hơn dự đoán.
Tuy nhiên, khi phân tích, các nhà đầu tư cho rằng dữ liệu CPI mới này có thể không làm thay đổi quỹ đạo chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường hiện tập trung vào báo cáo chỉ số giá sản xuất của Mỹ sẽ được công bố vào sáng thứ năm (giờ Mỹ).
Một diễn biến khác tác động đến thị trường diễn ra trong tuần này là việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu trần nợ không được nâng lên. Nếu không có thỏa thuận gia hạn nợ nào của Mỹ được đưa ra trong tháng 5, sự lo lắng trên thị trường chung sẽ tăng lên.
Nhìn về dài hạn, Bloomberg Intelligence cho biết trong báo cáo triển vọng tháng 5 rằng vàng đang tìm cách vượt trội so với các mặt hàng khác trong năm nay khi nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ gia tăng. Kim loại quý sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay, đưa giá lên cao hơn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.