Trong phiên giao dịch ngày 17/8 (giờ Mỹ), vàng trên sàn New York đã ghi nhận đà tăng vọt sau khi thị trường mở cửa không lâu. Giá kim quý tại đây đã tăng một mạch từ mức dưới 1.945 USD/ounce cuối tuần trước lên 1.983,6 USD hiện tại, tương đương mức tăng 38,8 USD/ounce, xấp xỉ 2%/ngày.
Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco cũng đang ở mức 1.983,6 USD, tăng gần 40 USD so với cuối tuần vừa qua. Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 đến cuối ngày 17/8 (giờ Mỹ) cũng đã tăng hơn 2%, giao dịch lần cuối ở mức 1.992,4 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng dựng đứng sau khi chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD với 6 đồng ngoại tệ lớn khác tiếp tục bị bán tháo khiến chỉ số này dao động gần mức thấp nhất 2 năm, hiện ở dưới 93 điểm, giảm 0,15% trong ngày.
Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng đồng bạc xanh sẽ còn giảm giá thêm trong ngắn hạn.
Cùng với trợ lực này, các chuyên gia cũng cho rằng vàng đang chứng kiến một số nhu cầu trú ẩn an toàn mới sau tin tức kinh tế thất vọng từ thị trường châu Á. Báo cáo kinh tế mới nhất của Nhật Bản cho biết do dịch Covid-19 nền kinh tế của nước này đã giảm gần 28% trong quý II, mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử.
Giá vàng thế giới trong phiên 17/8 (giờ Mỹ). Nguồn: Kitco. |
Ông George Gero, CEO tại RBC Wealth Management, cho biết đợt bán tháo của vàng tuần trước đã loại bỏ một yếu tố không cần thiết cho vàng, đó là tăng không bền vững.
“Thị trường đã loại bỏ một lượng tiền nóng và các nhà đầu tư giá trị đang chú ý đến vàng”, ông nói.
Gero nói thêm rằng việc bán tháo tuần trước chỉ mang tính chất kỹ thuật khi các nhà đầu tư vào vàng chốt lời sau khi giá tăng lên trên mức 2.000 USD/ounce. Dù tháng 10 là tháng nổi bật trên thị trường vàng, tháng 12 lại có nhiều hoạt động giao dịch nhất. Các nhà đầu tư đang giao dịch chính với hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 để tránh mọi biến động tiềm ẩn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Cùng với việc đồng USD suy yếu, giám đốc điều hành của RBC Wealth Management cũng kỳ vọng các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đè nặng lên lợi suất trái phiếu thực của Mỹ, một yếu tố tích cực khác đối với thị trường vàng.
Một số nhà phân tích cho rằng đà tăng của vàng có thể bị hạn chế do lợi suất trái phiếu Mỹ cũng bắt đầu cao hơn trong tuần. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện giao dịch ở mức 70 điểm cơ bản, gần mức cao nhất trong một tháng.
“Sự phục hồi của lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ hạn chế nhu cầu đối với kim loại quý khi các nhà đầu tư vẫn đang thắc mắc liệu vàng có tiềm năng tăng bền vững trên 2.000 USD/ounce hay không”, ông Ipek Ozkardeskaya, chiến lược gia thị trường tại Swissquote Bank SA cho biết.
Một số chuyên gia khác cũng lưu ý thị trường vàng vẫn chưa kiểm tra các ngưỡng kháng cự quan trọng và nếu giá không thể trở lại mốc trên 2.015 USD/ounce, kim quý vẫn trong giai đoạn củng cố.
Tuần này, cuộc khảo sát giá vàng của Kitco với các chuyên gia và nhà đầu tư cá nhân đã cho kết quả tích cực hơn nhiều so với tuần trước.
Trong 13 nhà phân tích đã tham gia đánh giá có 8 người (62%) tin rằng vàng sẽ tăng trong tuần này; số chuyên gia dự báo giá giảm là 2 người (15%); và số dự báo giá đi ngang là 3 người (23%).
Nhóm nhà đầu tư cá nhân với 2.407 người tham gia cho kết quả 1.439 người (60%) kỳ vọng giá vàng tăng; 527 người (22%) dự báo giá giảm; và 441 người còn lại (18%) giữ quan điểm trung lập.