Sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp và mất tổng cộng gần 50 USD/ounce, giá vàng thế giới bắt đầu phục hồi trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 (giờ Mỹ).
Giá vàng vật chất trên sàn New York tăng liên tục trong cả phiên đêm qua và đóng cửa ở mức 1.708,8 USD/ounce, cao hơn 22,8 USD so với cuối ngày hôm trước. Như vậy, giá kim quý tăng ròng gần 1,4% trong ngày.
Tương tự, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đêm qua tăng mạnh từ 1.686 USD lên 1.710,4 USD/ounce, tương đương gần 1,5% giá trị. Chưa thể trở lại vùng giá cuối tuần trước (trên 1.730 USD), nhưng việc trở lại mức trên 1.700 USD đã giúp giá kim loại quý thế giới thoát khỏi đáy 8 tháng.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai đêm qua cũng tăng 22,6 USD, hiện cố định ở 1.708,6 USD/ounce.
Trong đêm qua, sức mạnh đồng USD gần như đi ngang vùng 93,2 điểm, vì vậy toàn bộ mức tăng của giá vàng đều đến từ việc nhà đầu tư tham gia bắt đáy khi tài sản này giảm xuống vùng thấp nhất 8 tháng.
Giá vàng thế giới tăng trong phiên 31/3 (giờ Mỹ) nhưng vẫn giảm mạnh trong quý I/2021. Nguồn: Tradingview. |
Tuy nhiên, tính trong cả quý I, giá vàng thế giới vẫn giảm gần 10%, tương đương mức giảm của quý cuối cùng năm 2016. Trước đó, sau khi giảm từ 1.322 USD vào tháng 10/2016 xuống 1.125 USD vào cuối năm này, giá vàng đã mất tới 5 quý để lấy lại khoản lỗ phát sinh kể trên.
Trong quý I/2021, gần một nửa đà giảm của giá vàng đến từ việc đồng USD tăng giá. Chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh tăng hơn 4% trong 3 tháng qua, hiện cố định ở mức trên 93,235 điểm.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố góp phần vào sự sụt giảm của giá vàng trong quý đầu tiên năm nay như lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, kỳ vọng lạm phát thấp, sự gia tăng mạnh mẽ của tiền điện tử Bitcoin và thị trường chứng khoán…
Tương tự thị trường thế giới, giá vàng trong nước sáng nay (1/4) cũng ghi nhận đà hồi phục và thoát khỏi đáy 4 tháng. Tuy nhiên, tính trong quý I, giá vàng trong nước cũng giảm gần 3% giá trị.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 54,35 - 54,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua. Nếu so với đầu năm 2021, giá vàng bán ra tại đây đã giảm gần 1,5 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC bán ra hiện phổ biến ở 54,77 triệu/lượng, cũng tăng 250.000 đồng so với cuối ngày 31/3. Mức tăng này đã chấm dứt 3 phiên giảm liên tiếp của vàng trong nước tuần này. Dù vậy, so với cuối tuần trước, giá mặt hàng này vẫn thấp hơn 650.000 đồng.
Cũng trong sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá mua vàng miếng ở 54,3 triệu/lượng và bán ra ở 54,7 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua, nhưng vẫn thấp hơn 600.000 đồng so với cuối tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 54,35 triệu/lượng, cao hơn 300.000 đồng; giá bán ra hiện phổ biến ở mức 54,75 triệu/lượng, tăng 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Do đà tăng của vàng trong nước sáng nay thấp hơn mức tăng của thế giới nên chênh lệch giữa 2 thị trường này đã được thu hẹp xuống còn dưới 7 triệu đồng/lượng. Một ounce vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện có giá 47,8 triệu đồng/lượng.