Thị trường tài chính thế giới ghi nhận phiên biến động liên tục trong ngày bầu cử Mỹ diễn ra (3/11). Tại các sàn giao dịch vàng, dù biên độ dao động không lớn nhưng giá mặt hàng này liên tục tăng, giảm trước tâm lý trái chiều của nhà đầu tư.
Tuy vậy, kết thúc phiên 3/11 (giờ Mỹ), giá vàng tại hầu hết thị trường đều giữ xu hướng tăng so với phiên liền trước. Trên sàn New York, giá vàng vật chất tăng 12,7 USD, đóng cửa ở mức 1.908,5 USD/ounce. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của kim quý sau khi giảm mạnh cuối tuần trước.
Giá vàng trên sàn Kitco dù giảm về cuối phiên, giá hiện tại vẫn cao hơn 6 USD so với cuối ngày hôm qua, phổ biến ở mức 1.901 USD/ounce. Giá vàng tương lai kỳ hạn tháng 12 đêm qua cũng tăng 17,9 USD, giao dịch lần cuối ở mức 1.910,4 USD.
Giá vàng tiếp tục tăng
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới tiếp tục tăng do giới đầu tư vẫn ưu tiên tài sản trú ẩn an toàn trước lo ngại bất ổn xảy ra sau cuộc bầu cử. Sự thận trọng của giới đầu tư xuất phát từ cuộc tranh đua quyết liệt giữa 2 ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden được dự báo dẫn đến một kết quả bầu cử gây tranh cãi.
Trong nước, do đã điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng phiên hôm qua nên sáng nay giá bán tại hầu hết doanh nghiệp không có biến động lớn.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 56,25 - 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng ở cả 2 chiều so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng giờ sáng 3/11 (giờ Việt Nam), giá vàng SJC hiện chỉ ở mức tương đương.
Giá vàng SJC bán ra khu vực Hà Nội sáng nay cũng phổ biến ở mức 56,77 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng khu vực TP.HCM.
Cũng trong sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng tại 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở 56,25 triệu/lượng (mua) và 56,7 triệu/lượng (bán), tăng 50.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán so với cuối ngày hôm qua. Đây cũng là giá bán ra cao nhất của PNJ trong gần một tháng trở lại đây.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 56,2 triệu/lượng và bán ra ở 56,65 triệu đồng. So với hôm qua, vàng miếng tại đây chưa ghi nhận biến động mạnh về giá.
Tại thị trường trong nước, phiên giao dịch sáng nay đã là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của kim loại quý. Hiện giá bán mặt hàng này cũng đang ở vùng cao nhất kể từ đầu tháng 10.
Giá vàng sẽ tăng hay giảm trong tháng 11?
Theo các nhà phân tích, dù tăng mạnh 2 phiên gần đây nhưng giá vàng vẫn mắc kẹt ở vùng 1.900 USD/ounce do các nhà đầu tư thận trọng trong việc dự báo kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Ngoài ra, diễn biến giá vàng trong ngày bầu cử năm 2016 cũng khiến giới đầu tư lo ngại sự kiện có thể tái diễn.
Ông Charlie Nedoss, chiến lược gia thị trường cấp cao của LaSalle Futures Group cho biết nhiều nhà đầu tư muốn giá vàng tăng nhưng vẫn chưa quên những gì đã xảy ra cách đây 4 năm. Hiện rất nhiều nhà đầu tư chọn cách ngồi ngoài thị trường chờ kết quả cuối cùng.
Biến động giá vàng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Kitco. |
Ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 trước đó chứng kiến sự kiện biến động lớn nhất trong lịch sử giá vàng khi mặt hàng này biến động 10% chỉ trong vài giờ. Ban đầu, giá vàng tăng mạnh khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng tại các bang lớn. Tuy nhiên, khi ngày bầu cử qua đi, giá vàng giảm một mạch từ mốc 1.340 USD xuống 1.270 USD trong vài giờ và giảm liên tục xuống dưới 1.190 USD đến cuối năm 2016.
Năm nay, các cuộc thăm dò chỉ ra ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chiếm lợi thế trên cả nước Mỹ và các bang quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn không loại trừ khả năng ông Trump có thể giữ được ghế tổng thống thêm 1 nhiệm kỳ.
Ông Daniel Briesemann, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Commerzbank nhận định không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Vị chuyên gia đưa ra 2 kịch bản tăng giá đối với vàng.
Một là, chiến thắng rõ ràng cho ông Biden và đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội Mỹ. Khi đó sẽ có nhiều kỳ vọng về một gói kích thích kinh tế mới, tác động tích cực tới giá kim loại quý.
Kịch bản thứ 2 là kết quả bầu cử có tranh chấp, điều này tạo ra sự bất ổn chính trị kéo dài đến tháng 12 và cũng có lợi cho vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Theo các chuyên gia, kịch bản xấu nhất với kim loại quý là Quốc hội Mỹ vẫn chia rẽ về các giải pháp kích thích kinh tế mới. Khi đó, không có gói cứu trợ nào được bơm ra và vàng sẽ bị bán tháo để nhà đầu tư bù lỗ vào các thị trường như chứng khoán.