Đầu phiên giao dịch ngày 9/12, giá vàng giao ngay trên sàn New York đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, tăng 11,5 USD/ounce so với mức đóng cửa phiên liền trước.
"Giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.800 USD bởi đồng bạc xanh yếu đi khi giới đầu tư nín thở chờ báo cáo lạm phát tháng 11", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.
Các dữ liệu về lạm phát tháng 11 sẽ được công bố hôm 13/12. Nếu áp lực giá cả giảm bớt, FOMC - cơ quan điều hành chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - có thể giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,5 điểm phần trăm.
Giá vàng đang tiến sát mốc 1.800 USD/ounce. Nguồn: Kitco. |
Đồng USD lao dốc
"Nhưng những gì mà giới quan sát quan tâm là quan điểm của Fed về xu hướng lạm phát và mức lãi suất cuối cùng", ông Moya bình luận.
"Giá kim loại quý sẽ ở quanh ngưỡng 1.800 USD/ounce cho đến khi có những tín hiệu tốt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed", vị chuyên gia bình luận.
Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ khác trên thế giới - đã rơi một mạch xuống đáy 5 tháng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tháng.
Ông Powell xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Ông lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng.
Do đó, chủ tịch Fed khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý. Tính đến 19h ngày 9/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD ở mức 104,68 điểm, giảm hơn 8% so với mức cao trong năm nay.
Chỉ số USD đã rơi xuống mức thấp nhất 5 tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Theo dữ liệu của CME Group, thị trường định giá khoảng 80% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.
Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed trong năm nay là nguyên nhân đẩy đồng USD tăng vọt. Điều này thúc đẩy giới đầu tư mua vào những tài sản của Mỹ vì lợi suất ngày càng hấp dẫn. Để thực hiện các giao dịch, họ buộc phải mua đồng bạc xanh.
Lãi suất chuẩn tăng cao cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc số USD cần để mua một ounce vàng giảm đi.
Vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce?
Giới quan sát cho rằng USD đã đạt đỉnh và quay đầu lao dốc kể từ đây. Mới đây, ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo dự báo giá vàng sẽ vọt lên 3.000 USD/ounce vào năm sau.
Theo Saxo, vàng "sẽ tìm được chỗ đứng vào năm 2023 sau một năm 2022 đầy thách thức". Năm nay, kim loại quý - tài sản thường được coi là hàng rào chống lại rủi ro lạm phát - không thể phục hồi dù lạm phát ở nhiều nơi vọt lên mức cao kỷ lục.
Theo dự đoán của Saxo, vào năm 2023, thị trường sẽ nhận thấy lạm phát có thể tiếp tục tăng cao trong tương lai gần, đẩy giá vàng lên 3.000/ounce.
Nếu ngân hàng đầu tư Đan Mạch dự đoán đúng, giá vàng sẽ tăng 69% so với mức hiện tại.
"Các chính sách thắt chặt định lượng của Fed đã tạo ra trở ngại mới trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều đó có thể thúc đẩy những 'biện pháp ngầm', dẫn tới việc nới lỏng định lượng trên thực tế", Saxo cảnh báo.
Ngân hàng đầu tư cho rằng vào năm sau, Trung Quốc sẽ từ bỏ chiến lược Zero-Covid nhờ các phương pháp điều trị hiệu quả, và thậm chí là một loại vaccine mới. Điều này có thể đẩy giá vàng và các hàng hóa khác tăng mạnh, kéo lạm phát lên cao.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.