Theo dữ liệu của Trading Economics, trong ngày 15/3, giá vàng thế giới đã rớt mạnh xuống 1.888,3 USD/ounce, mất mốc 1.900 USD/ounce. Giá của mỗi ounce vàng bốc hơi gần 15 USD trong vỏn vẹn một tiếng.
Theo giới quan sát, đà tăng của thị trường kim loại quý đã bị chặn đứng do sự phục hồi của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau báo cáo CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 2.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3,661%. "Báo cáo CPI đã dập tắt hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - trả lời Zing.
Giá vàng thế giới lao dốc hôm 15/3. Ảnh: Trading Economics. |
Dữ liệu CPI tháng 2
Cụ thể, theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó, giống với dự báo trước đó của giới quan sát.
Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, CPI cốt lõi tăng 0,5% so với tháng 1 và 5,5% sau một năm.
Theo dữ liệu của CME Group, sau báo cáo CPI, giới đầu tư định giá khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là 85%. Trước đó, nhiều người hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tạm dừng nâng lãi suất do những biến động gần đây của ngành ngân hàng.
Vụ sụp đổ của SVB làm dấy lên hy vọng về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Ảnh: Bloomberg. |
"Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng đang run rẩy, Fed vẫn ưu tiên ổn định giá cả hơn tăng trưởng, và có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial - nhận định.
Trước đó, sự kiện Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - phá sản đã đảo ngược đà sụt giảm của một số thị trường, điển hình là vàng. Bởi những rắc rối đối với các ngân hàng Mỹ được cho là do những đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed trong vòng một năm qua.
Kim loại quý đã bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh USD lao dốc mạnh và dòng tiền đổ xô vào nơi trú ẩn an toàn.
Đà tăng hạ nhiệt
Thời điểm đó, các nhà đầu tư tin rằng với rắc rối của ngành ngân hàng, Fed sẽ khó tăng lãi suất mạnh tay như những gì được dự báo. Đây cũng là phán đoán của nhóm chuyên gia tại ngân hàng Goldman Sachs. Sự hưng phấn bao trùm thị trường kim loại quý bất chấp các dữ liệu về tình hình lạm phát tại Mỹ.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần mới đây tại Đồi Capitol, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022. Ông cảnh báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
"Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất", ông Powell nhấn mạnh.
Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho biết các dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra một thị trường lao động "mạnh mẽ quá mức", nhu cầu tiêu dùng vẫn cao và áp lực lạm phát còn dai dẳng.
Theo ông, điều này có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự báo hồi tháng 12 năm ngoái.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...