Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá vàng lao dốc

Giá vàng mất 24 USD/ounce trong phiên giao dịch vừa qua trên sàn Mỹ. Việc Ngân hàng Canada tăng lãi suất điều hành trở lại khiến thị trường run rẩy.

Theo dữ liệu của Kitco.com, trong phiên 7/6 trên sàn New York (giờ Mỹ), giá của mỗi ounce vàng đã giảm 24 USD xuống 1.939 USD. Kim loại quý chịu sức ép lớn từ những chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

"Việc ngân hàng trung ương Canada tăng lãi suất đã khiến các nhà đầu cơ vàng rùng mình", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Oanda - nhận định. Ông cảnh báo rằng sau khi rơi xuống dưới ngưỡng 1.950 USD/ounce, giá vàng có thể lao dốc mạnh hơn nữa.

Áp lực vẫn đè nặng lên kim loại quý

Ngày 7/6, Ngân hàng Canada tăng lãi suất điều hành lên 4,75%, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 22 năm. Hồi tháng 1, cơ quan này đã tạm dừng tăng lãi suất để đánh giá tác động của các chính sách thắt chặt, sau khi nâng 8 lần liên tiếp đưa lãi suất lên mức cao nhất 15 năm là 4,5%.

Trong một tuyên bố, ngân hàng cho biết chi tiêu tiêu dùng đã tăng cao bất ngờ. Nhu cầu dịch vụ phục hồi, hoạt động trên thị trường nhà ở tăng và thị trường lao động thắt chặt cho thấy tình trạng dư thừa cầu trong nền kinh tế dai dẳng hơn dự đoán.

"Những lo ngại về việc lạm phát CPI có thể mắc kẹt trên mức mục tiêu 2% đang gia tăng", Ngân hàng Canada nhấn mạnh.

Fed anh 1

Biến động của giá vàng trong phiên 7/6 (giờ Mỹ). Ảnh: Kitco.com.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng trong tháng này. Các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ đã phát đi tín hiệu về việc tạm dừng tăng lãi suất.

Nhưng tương tự kịch bản của Ngân hàng Canada, việc Fed nâng lãi suất trở lại sau một thời gian cũng có thể đè nặng lên thị trường kim loại quý.

Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất tăng lên sẽ kéo theo chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý, vốn là tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi.

"Fed chưa thể lùi bước"

Mới đây, ông Philip Jefferson - Thống đốc kiêm ứng viên Phó chủ tịch Fed - đã phát đi tín hiệu về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng ông khẳng định rằng bất cứ quyết định ổn định lãi suất nào cũng không được coi là dấu chấm hết của chu kỳ thắt chặt.

"Việc bỏ quãng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới sẽ cho phép Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) có thêm thời gian quan sát các dữ liệu, trước khi đưa ra những chính sách thắt chặt tiếp theo", vị quan chức tiết lộ.

Ông nhấn mạnh rằng việc giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp sắp tới không có nghĩa là lãi suất đã đạt đỉnh.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 66,2%, tăng mạnh từ 38,1% hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo đang được định giá là 33,8%, giảm mạnh từ 61,9% vào cuối tháng trước.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng các hoạt động tín dụng vẫn chưa suy yếu đủ để Fed thay đổi hướng đi đối với chu kỳ tăng lãi suất.

"Chúng tôi chưa nhận thấy sự chậm lại đáng kể trong các hoạt động cho vay. Đã có sự suy yếu, nhưng không đủ lớn để dẫn đến việc Fed có thể lùi bước", bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành IMF - nói với CNBC.

Để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Các đợt tăng lãi suất dồn dập được cho là sẽ giáng đòn lên thị trường lao động đang nóng đỏ của Mỹ.

"Áp lực đến từ thu nhập của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp. Điều này có nghĩa là Fed sẽ phải tiếp tục hành động. Và theo quan điểm của chúng tôi, họ cần làm nhiều hơn một chút", Giám đốc điều hành IMF khẳng định.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Vết sẹo từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

Mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi 2008 đã không còn. Nhưng vết thương vẫn đang âm ỉ trong ngành ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Vì sao kinh tế Trung Quốc không bật dậy mạnh mẽ?

Sự phục hồi của Trung Quốc hậu Covid-19 từng được cho là sẽ rung chuyển thế giới. Nhưng The Economist nhận định đà phục hồi của nước này đang lung lay.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm