Thị trường kim loại quý thế giới đang trải qua giai đoạn tiêu cực với sắc đỏ bao trùm phiên giao dịch 5/7 (giờ Mỹ) trong khi chỉ số USD-Index neo ở mức cao nhất 20 năm qua.
Cụ thể, trên sàn New York, giá kim quý giao ngay đã lao dốc một mạch hơn 47 USD từ vùng trên 1.810 USD/ounce xuống dưới 1.765 USD/ounce hiện tại. Biến động này tương đương với việc kim quý thế giới đã mất gần 2,6% giá trị chỉ sau nửa phiên giao dịch 5/7 (giờ Mỹ).
Đây là mức giảm mạnh nhất giá vàng vật chất thế giới ghi nhận trong nửa đầu năm 2022, đồng thời đưa giá kim loại quý này rơi xuống vùng thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Đi cùng đà giảm của giá vàng, hàng loạt kim loại quý khác như bạc, bạch kim... đều ghi nhận xu hướng giảm giá.
Đà giảm tiêu cực của thị trường kim loại quý thế giới diễn ra trong bối cảnh chỉ số USD-Index đang tăng vọt. Trong đó, chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng vọt 1,36% trong phiên đang diễn ra, chạm mốc 106,3 điểm, và là mức cao nhất chỉ số này ghi nhận trong 2 thập niên đã qua.
“Việc đồng USD tăng mạnh đã kéo giá vàng rơi xuống dưới vùng 1.800 USD/ounce”, ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích của Commerzbank cho biết.
Các chuyên gia cho rằng giới đầu tư đang đổ xô tích trữ USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, thị trường đang tập trung chờ đợi thông tin liên quan biên bản của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) từ cuộc họp vào tháng 6, dự kiến phát hành vào ngày 6/7 tới. Nội dung chính của biên bản này sẽ là lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới của FED.
Giá vàng thế giới lao dốc trong phiên 5/7 theo giờ Mỹ. Nguồn: Tradingview. |
Các chuyên gia kinh tế dự báo nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong đợt tăng lãi suất tới đây. Công cụ đo lường FedWatch của CME cũng cho thấy có tới 85,6% xác suất FED sẽ nâng lãi suất theo mức này.
Tuy nhiên, các dự báo cũng cho rằng trường hợp báo cáo việc làm tháng 6 và dữ liệu lạm phát ghi nhận dấu hiệu khả quan, FED có thể thay đổi phương án nâng lãi suất.
Với thị trường kim loại quý, giá vàng được dự báo tiếp tục phản ứng trái chiều với diễn biến của đồng USD. Tuy nhiên, việc rơi xuống dưới vùng 1.780 USD sẽ đặt kim loại quý vào vùng nguy hiểm.
Theo ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược hàng hóa của TD Securities, vùng giá này có thể phản ánh tình trạng kim quý đang không chịu nổi áp lực nâng lãi suất từ ngân hàng trung ương Mỹ kể từ những năm 1980. Kịch bản này có thể dẫn đến xu hướng giảm liên tục của mặt hàng này.
Ông Melek cho biết thêm kim loại quý sẽ tìm kiếm mốc hỗ trợ dưới vùng 1.800 USD/ounce. Hiện nhu cầu vàng có thể gặp một số trở ngại khi Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng từ 7,5% lên 12,5%.
“Động thái này nhằm kiểm soát dòng chảy ngoại tệ khi tỷ giá đồng INR (rupee) và USD giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ấn Độ là nhà nhập khẩu vàng lớn với khoảng 107 tấn trong tháng 5. Tình trạng giá vàng giao dịch nội địa cao hơn thị trường có thể tác động đến nhu cầu trước mắt, đặc biệt khi lãi suất cao hơn khiến chi phí mua và giữ vàng tăng lên”, ông Warren Patterson, chiến lược gia hàng hóa của ING nhận định.