Kim loại quý trên thị trường thế giới đêm qua (giờ Việt Nam) đã bị nhà đầu tư chốt lời mạnh khi giá đạt ngưỡng 1.812,6 USD/ounce. Điều này khiến vàng giao ngay đã giảm một mạch xuống dưới mốc 1.795 USD vào giữa phiên trước khi có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Hiện tại, vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 1.799,4 USD/ounce, giảm 11 USD so với phiên liền trước. Trong khi đó, đà giảm mạnh hơn được ghi nhận trên sàn New York (Mỹ) khi đóng cửa phiên đêm qua ở mức 1.796 USD/ounce, giảm 14,5 USD.
Giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 8 cũng đã giảm 15,7 USD/ounce xuống mức 1.796,4 USD/ounce. Trước đó, giá hợp đồng vàng này cũng tăng lên mức 1.816,2 USD/ounce và chịu áp lực chốt lời từ giới đầu tư.
Vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện có giá 50,5 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá Vietcombank cùng ngày). Đà giảm mạnh phiên gần nhất đã kéo giá thế giới xuống thấp hơn giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra.
Mở cửa phiên sáng nay, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng tại TP.HCM ở mức 50,28-50,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chiều qua, giá cả 2 chiều mua bán đã giảm 40.000 đồng.
Tương tự, vàng miếng SJC bán ra tại Hà Nội sáng nay đã giảm về mức 50,67 triệu đồng/lượng.
Trong khoảng hai tuần nữa, hợp đồng tương lai tháng 8 sẽ trở thành giá giao ngay và tháng giao vàng tương lai tiếp theo sẽ là hợp đồng tháng 10.
Dù vàng giao tháng 8 đã giảm về dưới mốc 1.800 USD, giá vàng giao tháng 10 hiện vẫn duy trì ở mức cố định 1.808,1 USD.
Đà giảm của vàng phiên đêm qua cũng đã cuốn toàn bộ lợi nhuận mà kim loại quý tích lũy được trong tuần này. Tuy vậy, mặt hàng này hiện vẫn ở vùng cao nhất trong hơn 8 năm.
Vàng hiện tại vẫn cao hơn 73,2 USD so với một tháng trước, tương đương mức tăng 4,24%. Nếu so với ngày này năm trước, kim loại quý đã tăng 393,7 USD (28%) sau một năm.
Theo chuyên gia phân tích tại Kitco, việc kim loại quý bị bán tháo phiên đêm qua chỉ là chốt lãi ngắn hạn của giới đầu tư. Tại bất kỳ thời điểm nào, các nhà giao dịch đều có thể giảm giá vàng xuống. Tuy nhiên, trợ lực đằng sau đợt tăng giá mạnh từ giữa tháng 6 vừa qua vẫn còn nguyên giá trị.
Tình hình dịch bệnh, các khoản chi tiêu khổng lồ của ngân hàng trung ương nhiều nước và các gói viện trợ bởi kho bạc trên toàn thế giới đã làm tăng thâm hụt ngân sách đến mức chưa từng có.