Giá vàng thường biến động ngược chiều với USD. Ảnh: Reuters. |
Đầu phiên giao dịch ngày 13/12 trên sàn New York (giờ Mỹ), giá của mỗi ounce vàng đã tăng vọt 33,4 USD lên 1.815 USD. Kim loại quý hưởng lợi khi USD suy yếu.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 13/12 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã rơi thẳng đứng xuống 103,7 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 16/6.
"Giá vàng tăng vọt vì lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự kiến. Các nhà giao dịch kim loại quý ngày càng tự tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 2 năm sau", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - trả lời Zing.
Giá vàng xuyên thủng mốc 1.800 USD
"Giá vàng đã xuyên thủng ngưỡng 1.800 USD/ounce trước cuộc họp chính sách quan trọng của Fed. Nếu cơ quan này hoàn toàn từ bỏ quan điểm 'diều hâu', giá kim loại quý có thể tiến tới 1.861 USD/ounce", vị chuyên gia dự báo.
Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. CPI cốt lõi - loại trừ giá năng lượng và thực phẩm biến động mạnh - tăng 0,2% so với một tháng trước đó và 6% so với một năm trước đó, thấp hơn mức dự báo lần lượt là 0,3% và 6,1%.
Giá kim loại quý tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 13/12 trên sàn New York. Ảnh: Kitco.com. |
Giá năng lượng lao dốc giúp lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số giá của nhóm năng lượng giảm 1,6% so với tháng 10 nhờ giá xăng lao dốc 2%. "Cơ hội 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ tăng lên khi giá năng lượng và thực phẩm đi đúng hướng", ông Moya nhận định.
Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm để kìm hãm lạm phát. Việc lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên các thị trường hàng hóa như vàng và dầu. Bởi chúng làm chi phí vốn và chi phí cơ hội của những khoản đầu tư này tăng lên.
Hơn nữa, khi sức mua của đồng bạc xanh tăng lên, số USD cần thiết để mua vàng hay dầu cũng giảm đi.
Giá dầu Brent vượt 80 USD/thùng
Thị trường dầu cũng được hỗ trợ bởi báo cáo CPI tháng 11 của Mỹ. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) đã tăng vọt 2,59% so với một ngày trước đó, xuyên thủng ngưỡng 80 USD/thùng.
Mỗi thùng dầu WTI cũng tăng giá 2,21% so với 24 giờ trước đó lên 74,760 USD/thùng. "Thị trường dầu thô được thúc đẩy bởi dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ có thể 'hạ cánh mềm'. Hơn nữa, sự gián đoạn của đường ống Keystone là lời nhắc nhở rằng thị trường dầu vẫn ở tình trạng thắt chặt", ông Moya giải thích.
Cách đây vài ngày, đường ống dẫn dầu Keystone công suất 622.000 thùng/ngày của công ty năng lượng TC Energy (Canada) đã bị đóng cửa. Tập đoàn đang tìm cách ứng phó với sự cố tràn dầu vào một con lạch ở Kansas (Mỹ).
Giá dầu Brent tăng vọt lên gần 80,5 USD/thùng sau báo cáo lạm phát tháng 11 của Mỹ. Ảnh: Trading Economics. |
TC Energy ước tính có đến 14.000 thùng dầu đã tràn khỏi đường ống trong sự cố rò rỉ này. Đây được coi là vụ tràn dầu thô lớn nhất ở Mỹ trong gần một thập kỷ.
Thêm vào đó, theo ông Moya, việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô trên toàn cầu. Đất nước 1,4 tỷ dân là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
"Giá dầu bắt đầu lao dốc kể từ đầu tháng 6. Nhưng xu hướng này sẽ kết thúc trong 1-2 tháng tới, bởi triển vọng của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp cải thiện nhu cầu dầu thô", vị chuyên gia dự báo.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...