Theo BGR, một trong những câu chuyện thiên văn kỳ lạ nhất vài năm qua là sự xuất hiện đột ngột của vật thể liên sao đầu tiên từng được phát hiện trong Hệ Mặt trời của chúng ta.
Omuamua - vật thể hình điếu xì gà đã đánh đố các nhà khoa học, khiến họ đặt ra hàng loạt câu hỏi không hề có lời giải thỏa đáng cho đến nay.
Đầu tiên, người ta không thể xác định xem nó là sao chổi hay thiên thạch do quỹ đạo kì lạ của nó. Sau đó, Oumuamua đột nhiên tăng tốc sau khi bay quanh quỹ đạo Mặt trời và trở lại không gian liên sao. Yếu tố này càng làm cho câu chuyện trở nên huyền bí.
Nhiều người tin rằng đó thực sự là một loại phi thuyền không gian của người ngoài hành tinh, chỉ tình cờ đi ngang chúng ta và mượn trọng lực cực lớn của Mặt trời để tăng tốc sang một Hệ Mặt trời khác.
Điểm này vẫn là chủ đề của các nghiên cứu đang diễn ra, trong khi một lý thuyết mới cố gắng giải thích gia tốc của nó đã xuất hiện trong Tạp chí Vật lý Thiên văn (Astrophysical Journal Letters).
Vật thể không xác định sao chổi hay thiên thạch Oumuamua. Ảnh: BGR. |
Một số nhà thiên văn học từng cho rằng vật thể này là tàu vũ trụ ngoài Trái Đất. Hành vi của nó có thể được giải thích bằng việc được trang bị một loại công nghệ đẩy. Sự tăng tốc kỳ lạ của Oumuamua sau khi bay quanh Mặt trời đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, bài báo này chỉ tập trung vào việc giải thích hành vi của Oumuamua.
Trong đó, các sinh viên tốt nghiệp từ các trường Yale và Caltech nhận định Oumuamua tăng tốc độ do ảnh hưởng của bức xạ Mặt trời trên mặt tiếp xúc của nó.
Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng có thể ánh sáng ở phía Mặt trời có thể đủ để làm cho hơi nước sinh ra trên bề mặt của Oumuamua, từ đó sinh ra phản lực làm tăng tốc vật thể.
Đến nay, chưa thể nói liệu Oumuamua có chứa nước hay không. Oumuamua xuất hiện từ hư không và rời đi nhanh chóng, khiến các nhà khoa học có rất ít thời gian quan sát để giải thích hành vi của nó.
Tuy nhiên, phản lực hơi nước là một giả thuyết thú vị để giải thích sự thay đổi tốc độ của Oumuamua, ít nhiều cũng hợp lý hơn giả thuyết tàu của người ngoài hành tinh.