Các nhà khoa học đặt giả thuyết về việc người hành tinh tạo ra hố đen. Ảnh: Science. |
Trong nghiên cứu được đăng trên nền tảng Arxiv vào ngày 24/1, được quản lý bởi Đại học Cornell (Mỹ), 2 nhà khoa học Gia Dvali và Zaza Osmanov đã đặt giả thuyết về việc người ngoài hành tinh tạo ra những hố đen để làm kho lưu trữ lượng tử. Theo nghiên cứu, họ cho biết điều này có thể giải thích cho nghịch lý Fermi.
Về cơ bản, nghịch lý Fermi nói về sự đối nghịch giữa việc thiếu những bằng chứng của các nền văn minh ngoài Trái Đất và khả năng tồn tại của người ngoài hành tinh. Nghịch lý này đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học, đặc biệt là những người tin rằng sự sống ngoài hành tinh có tồn tại, chỉ đang chờ được khám phá.
Trong nghiên cứu, 2 nhà khoa học đã chỉ ra rằng hố đen có khả năng lưu trữ thông tin cao nhất. Do đó, các nền văn minh tiên tiến trong vũ trụ nhiều khả năng đã tạo ra hố đen bằng những máy tính lượng tử (quantumn computer) siêu việt.
"Các nghiên cứu của nhà khoa học Dvali vào năm 2021 cho thấy tính hợp lệ của lý thuyết trường lượng tử phổ quát đối với khả năng lưu trữ thông tin của một thiết bị có thể được cấu thành bởi lượng tử tương ứng. Các vật thể bão hòa giới hạn này được gọi là saturons, đều là những vật lưu trữ thông tin lượng tử hiệu quả. Trong số tất cả giả thuyết về saturon có thể xảy ra, hố đen có khả năng lưu trữ thông tin cao nhất (Dvali 2021)", trích dẫn từ nghiên cứu.
Nghiên cứu được đăng trên nền tảng arXiv hiện chưa được đánh giá ngang hàng, bước quan trọng để các đồng nghiệp trong giới khoa học công nhận. Hiện tại, con người vẫn dựa vào các tín hiệu vô tuyến để tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong vũ trụ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trên cũng gợi ý rằng nên tiếp cận các hố đen như thể có nền văn minh ngoài hành tinh đã tạo ra chúng, thay vì chỉ là hiện tượng tự nhiên. Trong đó, họ nhấn mạnh giả thuyết hố đen là “những máy tính lượng tử khổng lồ” để lưu trữ dữ liệu, và một nền văn minh tiên tiến trong vũ trụ có đủ khả năng để tạo ra chúng.
Con người có thể sử dụng công nghệ hiện đại để xác thực giả thuyết về hố đen. Ảnh: unlimit3d. |
Theo chính những nhà nghiên cứu này, tất cả những gì chúng ta phải làm là tìm bằng chứng về các dấu hiệu kỹ thuật bên trong một hố đen để chứng minh khả năng nền văn minh tiên tiến tạo ra nó. Hơn nữa, con người đã có công nghệ để hiện thực hóa điều này khi các nhà nghiên cứu tuyên bố Đài thiên văn IceCube Neutrino ở Nam Cực có khả năng phát hiện dấu hiệu công nghệ trong hố đen.
Vào những năm 1980, nhà vật lý thiên văn Roger Penrose lần đầu tiên đề xuất khái niệm hố đen, khi cho biết nó là nguồn năng lượng vô hạn. Mặc dù khó xảy ra, nhưng các nhà nghiên cứu đã nhất trí rằng những hố đen nhỏ có thể được tạo ra nhân tạo, đóng vai trò là tụ điện cho thông tin lượng tử.
Tất nhiên, đây chỉ là một đề xuất tiềm năng mà con người có thể thực hiện trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Theo BGR, mặc dù được cho có sự “điên rồ” nhất định, đây vẫn là một hướng mà các nhà thiên văn học và vật lý thiên văn có thể khám phá.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...