Tại trường Cao đẳng Thành phố Long Beach (viết tắt: LBCC, nằm ở phía nam Los Angeles, Mỹ), ít nhất 8 sinh viên được cho phép ngủ trong ôtô tại bãi đậu xe của khuôn viên trường. Đây là quy định nhằm giúp đỡ các sinh viên đại học, những người không có khả năng mua hoặc thuê nhà ở.
Nhà để xe của trường có bảo vệ, Wi-Fi và phòng tắm gần đó. Không có quá nhiều tiện ích nhưng cũng được coi là một giải pháp an toàn hơn việc sống trên đường phố, nơi luôn tồn tại nỗi lo bị cướp hoặc cảnh sát lập biên bản, theo The Guardian.
Cuộc sống "tạm bợ" trong ôtô khiến nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc học. Ảnh: Los Angeles Times. |
Người quản lý chương trình phúc lợi cho biết có 98 sinh viên xác nhận là đang trải qua tình trạng vô gia cư trong học kỳ này, với ít nhất 25 người trong số đó sống trong xe hơi của họ.
Thiếu nơi sinh hoạt là vấn đề nan giải trong các khuôn viên trường đại học trên khắp nước Mỹ. Biểu hiện rõ nhất là ở California, một tiểu bang luôn “nổi cộm” về bất bình đẳng và khủng hoảng nhà ở.
Chi phí thuê nhà tăng cao khiến cuộc sống của không ít người trẻ ở xứ sở cờ hoa trở nên chật vật.
Cuộc sống bấp bênh
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 do Đại học California - Berkeley thực hiện, khoảng 10% sinh viên cho hay họ đã từng trải qua thời kỳ không có nhà, sống vạ vật khắp nơi.
Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng nặng nề nhất đến các trường cao đẳng cộng đồng của California, nơi tuyển sinh gần 2 triệu sinh viên mỗi năm. Phần lớn trong số này xuất thân từ các gia đình có tài chính không ổn định.
Một thống kê trên toàn tiểu bang được công bố vào năm 2019 cho thấy 19% sinh viên đại học đã trải qua tình trạng vô gia cư và 60% cảm thấy bất an về nhà ở.
Người da màu, bản địa và LGBTQ có nguy cơ bấp bênh về chỗ ở cao hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Khi Majeedah Wesley là phó chủ tịch hội sinh viên của LBCC vào năm 2014, cô vẫn sống ở nơi trú ẩn dành cho thanh thiếu niên vô gia cư tại Hollywood, cách khuôn viên trường khoảng hai giờ đi bằng phương tiện công cộng.
Nhiều sinh viên chấp nhận sống trong chỗ ở chật hẹp, thiếu cơ sở vật chất, tiện nghi. Ảnh: New York Times. |
Nhiều người được cô kể về hoàn cảnh của mình đã rất ngạc nhiên. Không ít người trong số đó đã nghĩ rằng tình trạng vô gia cư chỉ xảy ra với những ai không có điều kiện kinh tế.
Tuy nhiên, điều này hơi phiến diện vì bất kỳ ai cũng có thể rơi vào trường hợp đó nếu gặp sự cố xui xẻo, không chi trả tiền phòng kịp thời.
Khi rời khỏi gia đình và dọn ra ở riêng, Wesley có một ít tiền trong tài khoản ngân hàng nhưng không đủ để thuê căn hộ. Nếu chuyển đi quá xa, việc học của cô sẽ bị gián đoạn và có thể trượt kỳ thi.
Đến nơi trú ẩn dành cho thanh thiếu niên là lựa chọn tốt nhất để cô hoàn thành học kỳ của mình. Wesley đã làm việc chăm chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Khó khăn tài chính
Leeann (21 tuổi) nói rằng một số người bạn của cô chỉ tiết lộ tình trạng thiếu nhà ở sau khi đối mặt thực tế với việc vô gia cư.
Trong gia đình của Leeann, con cái phải bắt đầu sau khi đủ 18 tuổi. Trong hai năm đầu tiên của mình tại trường đại học, cô đã làm việc toàn thời gian để có thể trả 800 USD tiền thuê nhà hàng tháng.
Sau đó, cô được nhận vào chương trình điều dưỡng của LBCC. Các môn học trở nên khó hơn khiến Leeann gần như rớt hết dù trước đó cô thường xuyên đạt điểm A.
Để có nhiều thời gian cho việc học, cô phải làm việc ít hơn và chuyển đến ở cùng bạn bè để tiết kiệm tiền thuê nhà.
Tuy nhiên, nữ sinh không có ý định từ bỏ chương trình học vì cô xem bằng điều dưỡng là cách thoát khỏi vòng xoáy bất ổn tài chính và căng thẳng đã trải qua khi còn nhỏ.
Các trường đại học tại Mỹ cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nơi ở cho sinh viên. Ảnh: The Guardian. |
Leeann cho biết bạn bè của cô và gia đình họ rất hào phóng, một số cho phép cô ở tạm hàng tuần liền.
Nhưng việc sống mà không có không gian riêng với Leeann khá khó khăn, đặc biệt là khi ghi danh vào một ngành học đầy thử thách.
“Ngôi nhà quá nhỏ và không có khu vực yên tĩnh để làm việc. Tôi luôn thấy mình là gánh nặng cho mọi người vì bật đèn khi thức khuya”, cô nói.
Rashida Crutchfield, trợ lý giáo sư tại trường Cao đẳng Thành phố Long Beach, nhận định tình trạng vô gia cư ở các sinh viên đại học là một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong nhiều năm.
Một cuộc khảo sát năm 2020 với 195.000 sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ vẫn học tập trong thời kỳ đại dịch cho thấy 14% đã trải qua khó khăn về nơi ở. Họ không thích việc người khác gọi mình là vô gia cư.
“Tôi vẫn nghe các sinh viên nói rằng họ đang sống trong ôtô của mình, nhưng từ chối nhận là người vô gia cư vì xe hơi là nhà của họ”, Crutchfield nói.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiếu thốn lương thực, nơi sinh sống trong thời gian dài sẽ làm suy giảm khả năng học tập của sinh viên. Vì thế, các trường đại học nên đưa ra những chính sách hỗ trợ để giúp người học tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.