"Giá thép tăng liên tục thì tôi cũng chết liên tục. Việc xác định đơn giá xây dựng trong thời gian này quá căng thẳng. Đơn giá khó theo kịp đà tăng của vật liệu này", ông Phạm Văn Tuân, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Gia Phát nói với Zing.
Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép như Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại từ cuối năm ngoái và dồn dập hơn từ tháng 3 năm nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, các đơn vị liên tục điều chỉnh báo giá, thậm chí có nơi tăng giá 6 lần chỉ trong vòng 10 ngày.
Hiện thép cuộn Hòa Phát CB240 có giá khoảng 15,8-16,4 triệu đồng/tấn, còn thép cây CB300 ở mức 15,8-16 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, 2 sản phẩm này của thép Việt Đức được chào bán với giá lần lượt khoảng 16-16,1 triệu đồng/tấn. Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép của hãng này đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn.
Thậm chí, chiều tối 14/4, thép Thái Nguyên còn bất ngờ tăng giá thêm 300.000 đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này ở mức 16,4-16,8 triệu đồng/tấn, còn giá thép cây CB300 hơn 16,2-16,5 triệu đồng/tấn. Tương tự, Pomina cũng tăng giá thép cuộn CB240 lên 16,5 triệu đồng/tấn, giá thép CB300 lên 16,6 triệu đồng/tấn.
Công nhân cài các thanh thép tại một công trường xây dựng ở Hà Nội. Giá thép tăng ồ ạt trong thời gian qua. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ lỗ tăng cao
Ông Phạm Hoàng Thi, Giám đốc Công ty Universal Steel Buildings Việt Nam, ước tính giá thép đã tăng khoảng 40% so với quý III/2020. Trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình trạng leo thang của giá thép được dự báo tiếp diễn đến hết quý III năm nay.
Đối với công ty xây dựng chuyên về công trình dân dụng như Hưng Gia Phát, chi phí thép chiếm khoảng 25% tổng chi phí công trình. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tuân, khách hàng không quan tâm đến biến động giá vật tư mà chỉ cần biết chênh lệch chào giá giữa các đơn vị thi công.
"Chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn khi làm việc với khách hàng. Xác suất thương lượng thành công hiện chỉ ở mức 10%, bởi khách hàng chỉ muốn làm theo đơn giá năm 2019-2020. Lợi nhuận của chúng tôi bị thu hẹp đáng kể, thậm chí nếu quản lý không tốt có thể dẫn đến thua lỗ", ông Tuân chia sẻ.
Trải qua một năm Covid-19, nay tiếp tục chịu sức ép từ chi phí đầu vào, ông buộc phải tìm kiếm dòng tiền từ các lĩnh vực kinh doanh khác.
"Mỗi khi nhận thông báo điều chỉnh báo giá thép, chúng tôi chỉ biết thốt lên 'chết rồi'"
Ông Phạm Văn Tuân - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Gia Phát
Còn với mảng xây dựng, ông đành chấp nhận thiệt hại với các hợp đồng đã triển khai dở dang. Riêng những hợp đồng đang thương lượng, nếu nhận thấy nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, ông sẽ từ chối.
"Mỗi khi nhận thông báo điều chỉnh báo giá thép, chúng tôi chỉ biết thốt lên 'chết rồi", ông Tuân tâm sự.
Thậm chí, tại Universal Steel Buildings Việt Nam, với sản phẩm chính là nhà thép tiền chế sử dụng gần như 100% nguyên liệu đầu vào là thép, ông Phạm Hoàng Thi cho biết tình hình còn nguy khốn hơn.
Từ quý IV/2020 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm một nửa. Dự án nào may mắn thì hòa vốn, còn lại đa phần lỗ từ 5-10%.
"Có 2 hợp đồng mới ký gần đây nhất, trong quá trình thương lượng khách hàng đã nhận thấy đà tăng giá bất ổn nên yêu cầu ký trọn gói, không thay đổi giá trị hợp đồng khi giá vật tư biến động. Do đó, hợp đồng ký cách đây 2 tháng khiến chúng tôi lỗ 15%, còn hợp đồng ký cách đây 1 tháng đem về khoản lỗ đến 24%", ông Thi trải lòng.
Theo vị này, biên lợi nhuận thông thường của ngành dao động quanh mức 7-15%. Bởi vậy, khi giá tăng phi mã lên mức cao nhất lịch sử như hiện nay, việc thua lỗ là không thể tránh khỏi. Chưa kể, việc tăng giá mỗi ngày khiến doanh nghiệp phải thay đổi báo giá cho khách hàng liên tục, ảnh hưởng đến uy tín và thời gian.
"Cứ vài hôm chúng tôi lại thông báo tăng 3-10% giá nên khách hàng cũng cân nhắc nhiều. Đó là chưa nói đến việc không mua được thép nên việc triển khai dự án bị chậm trễ, bị phạt tiền", ông Thi nói với Zing.
Giá thép tăng còn kéo dài
"Thực tế là 3 tuần gần đây, các đại lý chỉ cho phép mua tối đa 30 tấn thép, trong khi trước đây có thể mua đến vài trăm tấn. Giá cũng chỉ giữ trong ngày, muốn lấy hàng phải trả đủ 100%, vì chỉ đợi thêm vài ngày họ đã có lãi cao, nên không bán cho chúng tôi thì họ giữ lại bán cho người khác", ông Thi khẳng định.
Chia sẻ với Zing, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao những tháng qua. Thứ nhất là căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc, làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia về quốc gia cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng...
"Có thể coi như đang có tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép nói chung và ở Trung Quốc nói riêng vẫn tăng trưởng ổn định, càng đẩy giá thép lên cao", vị này cho biết.
Thiếu hụt nguồn cung cùng biến động thị trường logistics đẩy giá thép tăng dồn dập thời gian qua. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một yếu tố quan trọng khác làm thị trường thép biến động hơn là chi phí logistics. Do ách tắc hoạt động logistics trên toàn cầu, các doanh nghiệp không những thiếu container mà còn thiếu tàu vận chuyển, có những lô hàng buộc phải giao trễ dù đã sản xuất xong.
"Tình trạng này đẩy cước phí vận chuyển tăng cao. Từ tháng 8/2020 đến nay, chi phí đã tăng gấp 3 lần. Mỗi tháng tôi nhập khoảng 40-80 tấn nguyên liệu thép từ Trung Quốc về Việt Nam, phí vận chuyển trước đây khoảng 8,5 USD/tấn, tối đa 10 USD/tấn, hôm nay đi đặt chuyến thậm chí không có cái nào dưới 28 USD/tấn, có những chuyến hàng lên đến 31-32 USD/tấn", vị này chia sẻ.
Nhu cầu tiêu thụ thép vẫn tăng trưởng, đẩy giá thép lên cao
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép
Ông khẳng định giá thép tăng lên dồn dập đến từ nhiều góc độ và nằm ngoài dự báo của các nhà máy sản xuất thép. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thép thành phẩm đang bán tại Việt Nam còn chưa tương xứng với giá thị trường hiện nay, chỉ mới dựa trên giá nguyên liệu của vài tháng trước nhờ tồn kho của các doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, ông cho rằng dự báo giá thép tăng kéo dài đến hết quý III/2021 vẫn là một dự báo an toàn. Tương tự, ông Phạm Hoàng Thi nhận định tình trạng này sẽ tiếp diễn ít nhất đến hết năm nay, thậm chí là quý II, III năm sau.
Trong lúc này, những doanh nghiệp như của ông Thi phải thực hiện song song 2 nhóm giải pháp. Đầu tiên là tìm mọi cách để duy trì doanh thu như chuyển sang các mảng xây dựng ít dùng thép hơn, hay tư vấn thiết kế, giám sát, bảo trì, bảo dưỡng công trình, đồng thời tìm kiếm thị trường và khách hàng mới.
Bên cạnh đó, ông cũng buộc phải quản lý chặt chẽ hơn các biến phí và cắt giảm tối đa những chi phí cố định như tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng...