Từ đầu tháng 4 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thép liên tục điều chỉnh báo giá, thậm chí có nơi tăng giá 6 lần chỉ trong vòng 10 ngày.
Khảo sát của Zing cho thấy giá thép cuộn Hòa Phát CB240 dao động 17,2-17,4 triệu đồng/tấn tùy từng vùng, còn thép cây D10 CB300 ở mức 17,05-17,31 triệu/tấn. Trong khi đó, 2 sản phẩm này của thép Việt Đức được chào bán ở miền Trung với giá lần lượt là 17,61 triệu/tấn và 17,46 triệu/tấn.
Công ty thép Thái Nguyên thì báo giá sản phẩm thép cuộn CB240 là 17,46 triệu đồng/tấn, với thép D10 CB300 là 17,2 triệu/tấn. Thương hiệu Thép Pomina cho biết giá bán thép cuộn CB240 đang là 17,31 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 ở mức 17,41 triệu/tấn.
Trong chưa đầy 1 tháng, giá thép của các hãng này đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn. Ước tính, giá thép hiện nay tăng gần gấp rưỡi so với quý III/2020.
BIẾN ĐỘNG GIÁ THÉP TẠI MIỀN BẮC CỦA HÒA PHÁT | ||||||
Nhãn | 15/4 | 22/4 | 29/4 | 6/5 | 11/5 | |
Thép cuộn CB240 | triệu đồng/tấn | 15.89 | 16.5 | 16.8 | 16.85 | 17.36 |
Thép cây D10 CB300 | 16.08 | 16.7 | 16.9 | 17 | 17.31 |
Theo lý giải từ đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng dữ dội là thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc, làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia về quốc gia cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng... Ngoài ra, cước phí logistics tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ đang tăng trưởng ổn định, đặc biệt sau những giải pháp phục hồi kinh tế dựa trên đầu tư công hậu Covid-19.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tháng 4 và tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn cao, song sự cạnh tranh sẽ rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán có thể tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Từ đầu năm đến hết tháng 4, Tổng cục Hải quan cho biết lượng nhập khẩu sắt thép ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 14% với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ 2020. Riêng trong tháng 4, Việt Nam ước tính nhập khẩu 1,4 triệu tấn sắt thép các loại, đạt 1,08 tỷ USD.
Trên thế giới, giá quặng sắt (nguyên liệu để sản xuất thép) giao sau tại Singapore tăng hơn 10% chỉ trong vài phút của phiên giao dịch ngày 10/5, lên mức kỷ lục 226 USD/tấn. Tuần trước, giá quặng sắt lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 USD/tấn.
Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ quặng sắt từ các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc tăng vọt, gây áp lực mạnh lên nguồn cung. "Thị trường đang quá nóng", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar thuộc ngân hàng Commonwealth Bank of Australia.
"Nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu quá mạnh. Khi nào nhu cầu thép của Trung Quốc hạ nhiệt có lẽ là câu hỏi lớn nhất trong năm 2021", chuyên gia Vivek Dhar nói thêm.
Ở phiên giao dịch ngày 10/5, giá thép cũng tăng nhanh tại sàn giao dịch Singapore, vượt 225 USD/tấn. Trong khi đó, các nhà sản xuất thép ngoài Trung Quốc đang ăn nên làm ra do nhu cầu toàn cầu bùng nổ khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Mới đây, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận việc giá thép tăng phi mã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.
Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.