Cuối tháng 6, các doanh nghiệp tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm giá thép. Theo đó, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép Kyoei... giảm giá bán trên phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây 150.000-300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt còn 16,36 triệu đồng/tấn và 16,77 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn đối với thép CB240 còn 16,5 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 cũng được Hòa Phát giảm 200.000 đồng/tấn còn 16,8 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên ở mức 150.000 đồng/tấn xuống còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,85 triệu đồng/tấn.
GIÁ THƯƠNG HIỆU THÉP HÒA PHÁT MIỀN BẮC TRONG 6 THÁNG QUA | |||||||||||||
Nhãn | 1//1 | 1/2 | 1/3 | 1/4 | 1/5 | 11/5 | 17/5 | 31/5 | 1/6 | 6/6 | 19/6 | 27/6 | |
D10 CB300 | triệu đồng/tấn | 16.41 | 16.82 | 17.12 | 19.04 | 19.04 | 18.74 | 18.28 | 18.01 | 17.81 | 17.51 | 17 | 16.8 |
CB240 | 16.41 | 16.72 | 17.02 | 18.94 | 18.94 | 18.63 | 17.83 | 17.46 | 17.25 | 16.95 | 16.65 | 16.5 |
Thép Kyoei tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép CB240 và và 210.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, lần lượt còn 16,26 triệu đồng/tấn và 16,66 triệu đồng/tấn.
Như vậy, đây là lần giảm thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Các lần giảm đã đưa giá mặt hàng này về mức tương đương thời điểm tháng 2.
Nguyên nhân giá thép giảm là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể. Giá thép thanh vằn giao tương lai tại Trung Quốc đã rơi về mức thấp nhất 7 tháng và thép cuộn cán nóng tại Đông Á đang xuống thấp nhất trong 14 tháng. Theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 27/6 là 4.311 nhân dân tệ/tấn.
Không chỉ giá bán đi xuống mà nhu cầu trong nước cũng không mấy tích cực. Các dự án đầu tư công được cho là "cứu cánh" của ngành thép cũng đang vướng vào vấn đề tốc độ giải ngân còn chậm.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng thép các loại tháng 4 đã giảm sâu tới 23% so với tháng liền trước và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi tháng 4 thường là bắt đầu cho cao điểm của mùa xây dựng.