Tạ Minh Thiện, chú rể nổi tiếng cộng đồng mạng với lễ rước dâu bằng máy bay ATR 72 của hãng Vietnam Airlines những ngày qua cho biết: "Vợ chồng mình không nghĩ sẽ được biết đến theo cách như vậy".
Tự nhận là người kiệm lời, không thích phô trương, Thiện mong muốn những ồn ào này sẽ nhanh chóng kết thúc để anh tập trung vào công việc chính đang rất nhiều áp lực, điều hành cơ ngơi kinh doanh mở rộng gấp 10 lần trước của gia đình.
Cặp đôi đẹp của đám rước dâu bằng máy bay VNA cũng là những 9X thừa kế gia sản lớn tại Bạc Liêu và Đồng Nai. Ảnh: NVCC. |
Theo tìm hiểu của Zing.vn, Tạ Minh Thiện (SN 1990) là con trai bà Âu Ngọc Vững, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thủy sản Âu Vững - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản nổi tiếng đất Bạc Liêu.
Sau nhiều năm du học tại Australia, hiện, Thiện đã về nước, giữ chức Tổng giám đốc công ty, cùng mẹ điều hành và mở rộng cơ ngơi kinh doanh của gia đình.
Công ty CP Chế biến thuỷ sản Âu Vững I thành lập năm 2006, vốn đầu tư ban đầu là 2 triệu USD. Các mặt hàng thủy sản được xuất khẩu sang nhiều thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, New Zealand, Canada…, gần nhất là Mỹ.
Sau 9 năm thành lập, công ty hiện đã có 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu lớn. Nhà máy Âu Vững 1 có diện tích 1.300 m2 với hơn 300 công nhân làm việc.
Nhà máy 2 khởi công đầu năm 2015, có diện tích 60.000 m2 với vốn đầu tư xây dựng ước tính 12 triệu USD, thu hút khoảng 700 lao động.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Âu Vững đạt 56 triệu USD, năm 2013 đạt 104 triệu USD, tăng mạnh vào năm 2014 với 130 triệu USD. Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của công ty sẽ đạt trên 170 triệu USD.
TGĐ Minh Thiện cho biết, dự án xây dựng nhà máy thứ 2 chính là tâm huyết của cả gia đình anh, đồng thời là cơ ngơi anh sẽ gánh vác. Với việc mở rộng quy mô gấp gần 10 lần, trang bị dây chuyền chế biến hiện đại, nhà máy này được kỳ vọng sẽ đạt mức công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm.
Ngoài các thị trường truyền thống, công ty dự định xuất khẩu các mặt hàng thủy sản thành phẩm sang nhiều thị trường mới như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và đặc biệt là Australia.
"Mỗi năm, Australia nhập hàng tỷ USD hàng thủy sản nhưng trong số đó, hàng Việt Nam chiếm lượng rất khiêm tốn. Trong 4 năm học tập và quan sát thị trường này, tôi hiểu, đây là thị trường khó tính, kiểm định chất lượng đầu vào rất khó khăn. Nhưng là công ty chuyên chế biến và xuất khẩu có vị trí ngay giữa vựa thủy sản dồi dào nhất cả nước, tôi tin, khó khăn cũng là cơ hội của chúng tôi", CEO 9X chia sẻ.
Tiếp quản điều hành công ty từ mẹ, Tạ Minh Thiện tỏ ra tự tin với những gì anh được đào tạo từ nước ngoài về quản trị kinh doanh, kết hợp thời gian dài học hỏi kinh nghiệm từ ba mẹ.
Từng làm nhiều nghề để tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống và thị trường bản địa Australia, theo Thiện: "Trẻ không có nghĩa là non. Kinh nghiệm thì tôi đã có từ gia đình với hơn 20 năm làm thủy sản. Việc của tôi là kinh doanh mở rộng thị trường để công ty thứ hai phát triển hết công suất sẵn có".
Giám sát tiến độ xây dựng dự án nhà máy 2 từng ngày, 9X này cho biết, công trình đang được hoàn thiện và dự kiến thời gian đưa vào hoạt động là cuối năm nay. Bên cạnh việc mở rộng quy mô và năng lực sản xuất, đơn vị này đồng thời thực hiện song song việc nâng cấp và siết chặt quy trình kiểm tra, lọc đầu vào sản phẩm.
"Để giữ vững bạn hàng cũ và thành công hơn tại các thị trường mục tiêu mới, chất lượng thủy sản xuất khấu là yếu tố then chốt. Hẳn bạn đã nghe về câu chuyện 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu Việt Nam bị trả về.
Đương nhiên, tôi không mong muốn và cũng không nghĩ rằng sản phẩm của doanh nghiệp mình nằm trong số đó. Hiện chúng tôi đã có nguồn cung cấp nguyên liệu truyền thống đáng tin cậy và quy trình kiểm soát chất lượng bài bản. Tuy nhiên, siết chặt và hoàn thiện hơn là cần thiết", anh nói.
Tiếp quản điều hành công ty từ gia đình, Tạ Minh Thiện cùng vợ chủ động gác lại tuần trăng mật để tập trung cho công việc. Ảnh: TMT. |
Từ chối trả lời những thông tin sâu hơn về kế hoạch sản xuất kinh doanh, Tạ Minh Thiện cho biết, tương lai, anh sẽ nỗ lực để cải thiện số lượng xuất khẩu hàng thủy sản vào Nhật và châu Âu hiện mới dừng ở con số 30% tổng lượng.
Cuộc sống bước sang trang mới khá sớm, doanh nhân 9X không giấu giếm niềm vui. Anh chia sẻ, ngoài hạnh phúc cá nhân mang lại, vợ anh sắp tới sẽ là trợ thủ đắc lực trong hoạt động kinh doanh của gia đình.
Nguyễn Thanh Hoàng Hằng, cùng sinh năm 1990, là cử nhân Quản trị kinh doanh ĐH Tây Washington (Mỹ). Không kém cạnh chồng, Nguyễn Hằng đang quản lý 2 nhà hàng hải sản lớn của gia đình ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Sau kết hôn, Hằng sẽ bàn giao lại 2 nhà hàng cho bố mẹ để tập trung cho việc kinh doanh nhà chồng.
Nhắc tới chuyến rước dâu bằng phương tiện xa xỉ, có sức chứa 74 chỗ ngồi của hãng Vietnam Airlines với giá thuê lên tới 200 triệu đồng, Thiện khẳng định, đây không phải hành động phô trương, gây tốn kém. Thay vào đó, sự việc là "cái duyên kỳ ngộ" của vợ chồng anh với máy bay bởi hai người quen nhau trên máy bay, yêu nhau từ đó và cũng vì bất đắc dĩ mà phải rước dâu bằng máy bay.
"Nếu có phương án tiết kiệm hơn, đảm bảo lễ rước dâu được tiến hành đúng kịp khung giờ đẹp trong ngày, đương nhiên tôi sẽ lựa chọn", anh nói.
Trao đổi với Zing.vn, nguồn tin từ Vietnam Airlines cho biết, xét về nguyên tắc thương mại, việc thuê nguyên chuyến bay để đi rước dâu (từ TP HCM đi Cà Mau) không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, số lượng khách hàng yêu cầu dịch vụ tương tự rất ít nên chuyến bay này được quan tâm nhiều.
Đại diện VNA thông tin, so với hành khách mua vé thông thường, bên thuê trọn chuyến bay cần làm hợp đồng charter (thuê trọn chuyến) với hãng bay và sắp xếp lịch cất cánh.
Ngoài ra, thuê máy bay ATR 72 trọn gói để đón dâu cũng tương tự các chuyến bay thương mại thông thường. Khác biệt duy nhất là về giá. Giá thuê trọn chuyến thường cao hơn chi phí bay phục vụ thương mại thông thường vì hãng hàng không còn tính chi phí bù cho trường hợp phải bay về không có hành khách (bay ferry).
ATR 72 dùng trong chuyến từ TP HCM đến Cà Mau là máy bay thương mại do liên doanh Pháp - Italy sản xuất, có sức chứa tối đa 74 chỗ.