Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá tăng vọt, dân không có tôm bán

Giá tôm ở ĐBSCL đang tăng cao nhưng người dân không có tôm để bán. Trong khi đó chính quyền các địa phương khuyến cáo không nên xuống giống do hạn, mặn gay gắt.

Nghịch lý mất mùa được giá một lần nữa khiến người dân ĐBSCL bị thiệt đơn, thiệt kép.

“Thấy giá tôm cao mà tiếc”

Những ngày gần đây, nhiều người dân vùng nuôi tôm tại huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ do giá tôm được thương lái chào mua rất cao nhưng không có để bán.

Anh Gia Bình - một hộ dân nuôi tôm tại địa phương - cho biết tôm sú sống đang được các thương lái săn mua với giá lên tới 300.000 đồng/kg, còn tôm ướp đá loại 30 con/kg cũng đang nằm ở mức cao 160.000 - 170.000 đồng/kg nhưng anh và nhiều hộ ở xóm không có để bán.

“Sau tết, tôm có giá lắm nhưng chúng tôi không có để bán. Thương lái nói họ săn mua tôm sống để chở về bán cho các nhà hàng ở Hà Nội, TP HCM nên giá được mua rất cao. Ai mà có tôm trong mùa này thì vô mánh”, anh Bình tiếc nuối.

Theo anh Bình, gia đình anh có 22 công đất (22.000 m2) nhưng do độ mặn quá cao nên không dám thả nuôi vụ mới. Cũng như anh Bình, hầu hết người dân tại vùng nuôi tôm Mỹ Xuyên này vẫn đang trong giai đoạn “treo ao” hoặc cải tạo đầm chuẩn bị chờ mưa xuống để thả nuôi.

tom anh 1

Thương lái ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu mua tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg giá 110.000 đồng, cao hơn khoảng 30.000 đồng/kg so với hơn một tháng trước đó nhưng nhiều nông dân không có tôm bán

Trưa 2/4, anh Minh - một thương lái đang mua tôm tại đầm của một hộ dân ở xã Gia Hòa (huyện Mỹ Xuyên) - cho biết giá tôm thẻ hiện ở mức 110.000 đồng/kg (đối với tôm 30 con/kg), tăng đến 30.000 đồng/kg so với tháng trước nhưng không phải dễ mua do người dân không còn tôm để bán.

Theo anh Minh, cũng do hạn mặn, trong khi tôm được giá, một số nông dân chấp nhận bán tôm “con nít” với 123 con/kg để tránh nguy cơ con tôm bị chết.

Tương tự, tại huyện Đầm Dơi - nơi có diện tích nuôi tôm lớn của tỉnh Cà Mau, khi được hỏi về chuyện nuôi tôm, nhiều nông dân đã lắc đầu than vãn: “Tôm chết quá trời”. Tại các vùng nuôi tôm công nghiệp phát triển như Tân Dân, Tân Duyệt..., nhiều ao tôm khô đáy nứt nẻ, cánh quạt tạo oxy bỏ nằm lăn lóc trên các bờ ao.

Ông Nguyễn Văn Thương (xã Tân Duyệt) cho biết do độ mặn trong ao quá cao, tôm giống thả xuống chỉ sống không quá một tuần là chết sạch. Vì vậy, hiện nay nhiều người thu hoạch xong nếu có vốn thì cải tạo ao đầm cho vụ sau, còn không thì “treo ao”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong tháng 3/2016, hơn 1.500 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến trên địa bàn bị bệnh, tăng 734 ha so với tháng trước. Còn tính từ đầu năm đến nay có gần 3.400 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, năng suất chỉ đạt 30-70%. Hiện chỉ có khoảng 42% diện tích nuôi tôm công nghiệp đang thả nuôi (tổng diện tích 9.742 ha), diện tích còn lại người dân đang cải tạo chờ vụ sau hoặc “treo ao”.

Khuyến cáo dân chờ mưa

Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết tôm có giá là do hết thời vụ, hiện không còn mấy hộ dân có tôm trong đầm để bán.

Trong khi đó, dù đã có lịch thời vụ nhưng do độ mặn cao và nắng nóng kéo dài nên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên vội thả giống mà chờ tới thời điểm thuận lợi, có mưa, có thể từ đầu tháng 6/2016. “Chậm nhưng chắc, bởi nếu thả giống sớm dễ bị thiệt hại” - ông Quyết nói.

Theo ông Ngôn Thanh Lĩnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, công suất chế biến của các nhà máy thủy sản trên địa bàn rất lớn, trong khi lượng tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất.

“Thời tiết đang rất bất lợi, tôm nuôi bị thiệt hại càng nhiều do hạn hán. Vì vậy, nếu nắng nóng kéo dài, môi trường tiếp tục bất lợi tôm nuôi sẽ bị ảnh hưởng, tình trạng thiếu nguyên liệu của các nhà máy thủy sản trên địa bàn sẽ càng trầm trọng hơn” - ông Lĩnh lo lắng.

Một lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết diện tích nuôi tôm sú hiện chỉ bằng 86% và diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bằng 72% so với cùng kỳ năm ngoái do người dân không dám thả nuôi theo lịch bởi hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời cảnh báo nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong những tháng tới. Do đó, vị này khuyên nông dân gieo giống trước khi thả nuôi thương phẩm trong ao đất hoặc trải bạt trong thời gian 30-45 ngày.

Cũng theo vị này, nếu áp dụng phương pháp nêu trên, đến cuối tháng 5/2016 (bắt đầu mùa mưa) có thể kịp thả ra ao đầm nuôi thương phẩm. Đồng thời, tích cực chuẩn bị cải tạo ao đầm, đẩy mạnh các hình thức nuôi khác như mô hình nuôi tôm - lúa (khoảng 200.000 ha), nâng cao năng suất, sản lượng đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến (khoảng 335.000 ha), phát triển mạnh mô hình nuôi tôm sinh thái (khoảng 22.000 ha)... ở ĐBSCL.

Trồng cỏ trên đất lúa nhiễm mặn để... nuôi tôm

Ông Nguyễn Văn Tùng - phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện An Minh (Kiên Giang) - cho biết vào vụ tôm sú 2016, bà con nông dân đã phải trồng cỏ vào ruộng lúa để cải tạo môi trường nước, thay vì cày vùi gốc rạ xuống đất để cải tạo môi trường nước.

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, trong năm nay, địa phương này dự kiến thả nuôi tôm trên 1.100 ha, năng suất dự kiến khoảng 57.000 tấn cho cả hai mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, tăng sản lượng khoảng 5.000 tấn so với năm 2015.

                                                                                                 Khoa Nam

 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160407/gia-tang-vot-dan-khong-co-tom-ban/1080274.html

Theo Chí Quốc-Tấn Thái/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm