Báo cáo thị trường bán lẻ do Savills Việt Nam vừa công bố, cho rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực nội thành TP.HCM bị ảnh hưởng bởi cơ chế cho thuê.
Tại các trung tâm thương mại (TTTM) hay mặt bằng thương mại ở khu vực trung tâm, giá thuê dao động 100-130 USD/m2 áp dụng cho tầng thấp. Cơ chế thuê chủ yếu là cố định trên m2 và giá tùy vào vị trí và thương hiệu của chính TTTM.
Các TTTM ở nơi có mật độ dân cư đông đúc nhưng không nằm ở nội thành như quận 10, quận 5 giá thuê dao động 40-60 USD/m2. Các khu vực như quận 2, quận 9, Gò Vấp, Thủ Đức giá chỉ 25-35 USD/m2.
Đối với phân khúc tổ hợp mua sắm, ki-ốt nằm trong khu TTTM, hình thức tính tiền thuê chủ yếu dựa vào chia doanh thu. Mức chia doanh thu dao động 18%-25%, tùy vào tên tuổi thương hiệu. Nếu so sánh với giá thuê cố định thì hình thức này thấp hơn 2-30%.
Chợ Bến Thành có giá sang nhượng ki-ốt đắt đỏ nhất. |
Một thông tin đáng chú ý được đơn vị này đưa ra là chợ Bến Thành có giá thuê xấp xỉ 30-50 triệu đồng một ki-ốt ở vị trí đẹp. Các vị trí khác cũng 10-27 triệu đồng. Đây là giá thuê cao nhất ở phân khúc trung tâm mua bán sỉ tại TP.HCM.
Bên cạnh giá thuê, chợ Bến Thành và các mô hình trung tâm bán sỉ khác như Bình Tây, Sài Gòn Square, Lucky Square, Taka... còn có thêm một hình thức sang nhượng quầy hàng với diện tích 2-4 m2.
Tại chợ Bến Thành, giá sang nhượng quầy ở mức 1,2-2,5 tỷ đồng; các trung tâm khác 10.000-25.000 USD.
Cũng theo Savills, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ, như niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng phát triển.
Cuộc chơi bán lẻ chính thức khởi động từ năm 2014, khi thị trường Việt Nam chào đón những thương hiệu lớn như Aeon, Central Group, Tập đoàn TCC (Thái Lan), Auchan. Nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, nổi cộm là các thương vụ mua lại Metro, BigC, Nguyễn Kim.
Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ, Savills TP.HCM, nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn trông đợi những động thái từ các “ông lớn” như Walmart, Tesco hay Carefour.
Trước sự gia nhập ngày càng sâu hơn của các nhà bán lẻ ngoại, sân nhà đã không còn là ưu thế của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Các nhà cung cấp hay sản xuất cho thị trường bán lẻ trong nước cũng đang phải đối mặt vô vàn khó khăn. Bởi doanh nghiệp bán lẻ ngoại luôn đi song hành cùng nhà cung cấp ngoại với tỉ lệ 1/3, tương đương với nhà cung cấp nội cũng như các nước trong khu vực.