Tháng 9, giá tại nhà máy ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 26 năm. Theo Bloomberg, nếu các doanh nghiệp địa phương bắt đầu chuyển chi phí cho người tiêu dùng, áp lực lạm phát toàn cầu sẽ gia tăng hơn nữa.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 10,7% so với một năm trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/1995 và vượt qua các dự báo trước đó. Nguyên nhân là giá than và những hàng hóa khác tăng vọt.
Ở thời điểm hiện tại, rất ít bằng chứng chỉ ra các nhà sản xuất đang chuyển áp lực về chi phí đầu vào cho người tiêu dùng. Tăng trưởng giá tiêu dùng đã giảm tốc so với tháng 9. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi lợi nhuận của những nhà máy này bị siết chặt. Cùng với đó là việc Trung Quốc tăng giá điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.
Chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc tăng 10,7% so với một năm trước đó. Ảnh: Reuters. |
PPI tăng kỷ lục
"Khoảng cách giữa PPI và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ chịu sức ép chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng", ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong - bình luận.
Theo một tuyên bố trên trang web của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 14/10, Thống đốc PBoC khẳng định lạm phát của Trung Quốc là "vừa phải". Ông nhấn mạnh rằng các chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt, có mục tiêu, hợp lý và phù hợp.
Chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc tăng cao trong bối cảnh các quốc gia từ châu Mỹ đến châu Âu chứng kiến lạm phát giá tiêu dùng tăng vọt. Theo dữ liệu hôm 13/10, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9 đã tăng 5,4% so với một năm trước đó.
Khoảng cách giữa PPI và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày càng lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ chịu sức ép chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng
- Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khẳng định giá tăng cao chỉ là nhất thời. Bởi nền kinh tế toàn cầu đang vực dậy từ đại dịch.
Tuy nhiên, Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Do đó, việc giá cả tại đất nước 1,4 tỷ dân tăng cao sẽ tạo ra rủi ro lạm phát gia tăng trên toàn cầu.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. "Lạm phát của Trung Quốc có thể không tác động sớm đến thế giới", bà Alicia Garcia Herrero - Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA - dự báo.
"Các nhà bán lẻ có thể hứng chịu hậu quả của chi phí tăng cao. Bởi nhu cầu vẫn còn yếu", bà nói thêm.
Khoảng cách giữa mức tăng của chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng lên 10 điểm phần trăm, mức cao nhất kể từ năm 1993.
PPI tại Trung Quốc tăng cao chủ yếu do giá than và các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng khác tăng vọt, theo NBS. Giá than cao hơn và những mục tiêu chính sách cắt giảm tiêu thụ năng lượng đã dẫn đến tình trạng thiếu điện. Hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa hoặc giảm công suất.
Giá của các mặt hàng khác như dầu thô cũng tiếp tục leo thang. Chỉ số Bloomberg Commodity Index tăng 5% trong tháng 9.
Rủi ro giá tiêu dùng tăng cao
Tuần này, Bắc Kinh thông báo sẽ xóa bỏ mức giá trần và cho phép các công ty năng lượng ra giá trên thị trường mở. Điều này có thể nâng giá điện lên đáng kể, nhưng cũng khuyến khích sản xuất nhiều hơn.
Nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng giá bán lẻ của các sản phẩm. Những nhà sản xuất lốp xe cũng thông báo về kế hoạch áp dụng chính sách giá mới trong tháng 10, theo truyền thông Trung Quốc.
Theo ông Zhaopeng Xing - chiến lược gia cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., PPI của Trung Quốc có thể đạt 12% vào tháng 10 hoặc tháng 11 và đạt 7,5% cả năm. "Giá tiêu dùng sẽ tăng nhẹ lên 2% trong quý IV/2021 và đạt 0,9% cả năm", ông dự báo.
Nếu PPI không đẩy CPI tăng cao, Trung Quốc sẽ vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Nhiều nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nước đẩy, qua đó bơm tiền vào nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm tiền vào nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
"Khoảng cách đáng kể giữa 2 thước đo lạm phát chính của Trung Quốc - PPI tăng cao và CPI hạ nhiệt - đã phơi bày những vấn đề cơ bản của nền kinh tế", chuyên gia David Qu của Bloomberg Economics bình luận.
"Tuy nhiên, trọng tâm của ngân hàng trung ương là hỗ trợ tăng trưởng. Lạm phát CPI thấp hơn tạo điều kiện cho cơ quan này làm điều đó", ông nói thêm.
Ở thời điểm hiện tại, lạm phát tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát do giá thịt lợn sụt giảm. Trong tháng 9, giá thực phẩm lao dốc 5,2% so với một năm trước đó.
CPI cốt lõi - không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng - duy trì ở mức 1,2%.