Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giả mạo tổng giám đốc ngân hàng cho vay '1 giờ là có tiền'

Sau khi chiêu lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng để đánh cắp thông tin cá nhân bị cơ quan quản lý cảnh báo, kẻ gian hiện chuyển sang giả mạo chính lãnh đạo ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) mới đây đã có cảnh báo với khách hàng và người dân về việc xuất hiện một số tài khoản mạng xã hội mạo danh và sử dụng trái phép hình ảnh của lãnh đạo ngân hàng và Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance để lừa đảo.

Cụ thể, trên các mạng xã hội gần đây xuất hiện một số tài khoản sử dụng hình ảnh của ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB và tên, hình ảnh của ông Đỗ Quang Vinh, Phó giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ SHB, Chủ tịch HĐTV SHB Finance nhằm mục đích quảng bá, lôi kéo, kêu gọi sử dụng dịch vụ tài chính, cho vay cá nhân.

Các tài khoản này giả mạo lãnh đạo ngân hàng, công ty tài chính để lôi kéo người vay với cam kết hỗ trợ nợ xấu, giải ngân chỉ trong 1 giờ, thủ tục đơn giản, không thẩm định, lãi suất ưu đãi, hạn mức lên đến 200 triệu đồng…

Đại diện SHB khẳng định đây là hành vi mạo danh người và tổ chức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của SHB, SHB Finance và cá nhân các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng.

Sau khi phát hiện vụ việc, đại diện SHB đã liên hệ và yêu cầu các tài khoản mạng xã hội này gỡ bỏ toàn bộ tài khoản, hình ảnh liên quan tới ngân hàng, SHB Finance, cũng như ông Nguyễn Văn Lê và ông Đỗ Quang Vinh.

Gia mao tong giam doc ngan hang cho vay tien anh 1

SHB cảnh báo tình trạng kẻ gian mạo danh nhân viên, lãnh đạo ngân hàng lừa đảo cho vay và đánh cắp thông tin cá nhân. Ảnh: SHB.

Phía SHB cũng cho biết đã có đơn tố giác và làm việc với cơ quan chức năng để tố cáo hành vi sử dụng trái phép hình ảnh lãnh đạo và ngân hàng, đề nghị xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự của các hành vi này.

“SHB cũng sẽ làm việc với đại diện mạng xã hội ở Việt Nam để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu hỗ trợ ngăn chặn các tài khoản mạo danh lãnh đạo SHB”, đại diện ngân hàng nhấn mạnh.

Trên thực tế, đây chỉ là một trong những chiêu thức mới được các đối tượng sử dụng nhằm thực hiện các hành động phạm tội trong hoạt động ngân hàng.

Trước đó, Công ty tài chính Bưu điện PTF cũng đã cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo, mạo danh công ty này để mời vay vốn, dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt tài sản. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc thì đối tượng lừa đảo cắt đứt mọi liên lạc.

VietinBank cũng mới phát đi cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm liên quan việc đánh cắp thông tin cá nhân và trộm tiền trong ví điện tử.

Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ khách hàng của VietinBank đã ghi nhận một số trường hợp khách phản ánh bị kẻ gian liên lạc mời chào vay vốn online rồi yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mật khẩu, mã OTP…

Sau khi lấy được các thông tin này, kẻ gian đánh cắp tiền trong ví điện tử của khách hàng có liên kết với tài khoản ngân hàng.

Đại diện VietinBank nhấn mạnh ngân hàng cũng như các cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu khách chuyển tiền hay cung cấp thông tin bảo mật dưới các hình thức gọi điện thoại, tin nhắn, email… Mọi yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP đều là giao dịch lừa đảo.

Đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Hiệp hội Ngân hàng chỉ ra một loạt chiêu lừa đảo mới được các đối tượng phạm tội sử dụng trong hoạt động ngân hàng.

Trong đó, thủ đoạn phổ biến nhất là giả danh ngân hàng, nhân viên ngân hàng, công an, tòa án, bưu điện để liên lạc với khách nhằm lừa đánh cắp thông tin cá nhân rồi chiếm đoạt tiền.

Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng chiêu chuyển nhầm tiền cho khách hàng rồi liên lạc yêu cầu khách chuyển tiền vào một tài khoản khác. Nếu khách làm theo, một thời gian sau sẽ bị chủ tài khoản chuyển tiền ban đầu liên lạc và đòi lại tiền.

Chiêu lừa đảo chuyển tiền nhầm rồi đòi lại

Thời gian gần đây nhiều chiêu lừa đảo mới xuất hiện nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của người dân. Một trong số đó là chiêu chuyển tiền nhầm rồi yêu cầu khách gửi lại.

Phát hiện 172 ứng dụng đào tiền mã hóa lừa đảo

Các ứng dụng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 350.000 USD của khoảng 93.000 nạn nhân.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm