“Chiều 14/6, tôi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng đến từ Điện lực TP Hà Nội. Người này giọng nữ, nói rằng CMND cũ của tôi đăng ký cho một đồng hồ điện công nghiệp tại Hà Nội nhưng không đóng tiền”, V.D.Đ., nhân viên truyền thông tại TP.HCM chia sẻ với Zing.
Theo người phụ nữ gọi cho anh Đ. , đồng hồ điện công nghiệp đứng tên anh Đ. được đăng ký tại TP Hà Nội từ 29/3. Anh Đ. cho biết đây là CMND bị mất từ năm 2019, sau đó anh đã đăng ký CCCD số mới.
“Đầu dây bên kia thông báo số tiền phát sinh từ đồng hồ điện gần 59 triệu đồng, nếu không nộp trong ngày sẽ bị truy tố trách nhiệm và yêu cầu đền bù”, ông Đ. cho biết.
Trả lời Zing, Điện lực Hà Nội cho biết tập đoàn này không sử dụng số điện thoại di động để liên hệ khách hàng. Tất cả cuộc gọi di động, tự xưng là nhân viên điện lực để thông báo nợ cước là lừa đảo.
Cuộc gọi của Đ. với đại úy tự xưng, yêu cầu bật camera và cung cấp thông tin cá nhân. Ảnh: NVCC. |
Giả công an, yêu cầu gọi video, bật camera để lưu hồ sơ
“Lúc đó tôi khá hoang mang, nghĩ rằng kẻ xấu đã sử dụng CMND cho mục đích phi pháp. Do không đến Hà Nội suốt 2 năm qua, tôi nhất quyết yêu cầu đầu dây bên kia làm rõ vụ việc”, anh Đ. chia sẻ.
Sau khi anh Đ. yêu cầu làm rõ thông tin, người phụ nữ kia nối máy với bên tự xưng là Công an TP Hà Nội để trình bày vụ việc. Trước khi nối máy, Đ. được người phụ nữ dặn dò rất kỹ về các thông tin cần trao đổi.
Khoảng 5 phút sau, Đ. được kết nối với một người đàn ông, tự xưng là "đại úy Tân".
Số điện thoại của người tự xưng là nhân viên điện lực gọi cho Đ. Khi được liên hệ, tổng đài viên Điện lực Hà Nội xác nhận không dùng số di động để liên lạc, thông báo tiền cước cho khách. Ảnh: NVCC. |
“Do nghe xung quanh (đầu dây bên kia - PV) có rất nhiều giọng đàn ông cũng đang hỏi thông tin như tôi, nên bản thân không nghi ngờ gì”, anh Đ. cho biết vị "đại úy" liên tục hỏi thông tin cá nhân. Khi Đ. nói rằng không thể ra Hà Nội làm việc, người này yêu cầu gọi video qua ứng dụng nhắn tin để lưu hồ sơ.
“Họ yêu cầu tôi bật camera để ghi lại hình ảnh cụ thể, nhắc tôi vào phòng kín, không tạp âm và tránh người khác đi qua”, anh Đ. nói trong quá trình gọi điện, người đàn ông kia hỏi rất nhiều thông tin như địa chỉ thường trú, lượng tài khoản ngân hàng, hạn mức thẻ tín dụng và các loại tài sản khác.
Anh Đ. chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin và nói “Tôi đồng ý”. Trong lúc gọi điện, "đại úy Tân" mở camera cho thấy hình ảnh nam giới mặc áo công an, nhưng chỉ trong khoảng 10 giây rồi tắt.
“Tôi khá nghi ngờ do khẩu hình miệng và giọng của người này không khớp nhau. Sau đó bên kia tắt camera, chỉ còn một mình tôi bật camera trong cuộc gọi”, anh Đ. cho biết.
"Họ đánh đúng tâm lý nên tôi không nghi ngờ"
Sau khi cung cấp thông tin cho "đại úy Tân", người này lại gọi cho bên khác để kiểm tra CMND của anh Đ. Sau đó, anh Đ. nhận thông báo CMND cũ còn được sử dụng để đăng ký tài khoản tại Ngân hàng Bắc Á TP Hà Nội. Số tiền dùng để rửa tiền cho một tên tội phạm, đang bị truy nã với quy mô lên đến 6,8 tỷ đồng.
“Lúc này tôi hoàn toàn tỉnh táo do không mở tài khoản tại Ngân hàng Bắc Á, cũng như chưa từng đến chi nhánh của ngân hàng này tại TP.HCM hay Hà Nội… Tôi yêu cầu đầu dây bên kia bật camera lần nữa, bên đó vẫn bật nhưng tắt ngay sau đó”, anh Đ. cho biết.
Sau khi cuộc gọi kết thúc, anh Đ. nhắn tin yêu cầu đại úy này chứng minh là công an nhưng không được phản hồi.
Đã có trường hợp bị lừa hàng tỷ đồng do tin lời cuộc gọi giả danh công an. |
Nói với Zing, anh Đ. cho rằng đã bị lừa khi cung cấp thông tin cho số máy tự xưng là đại úy công an. Anh lo sợ kẻ gian sẽ sử dụng dữ liệu, hình ảnh trong video call để cắt ghép, đăng ký dịch vụ vay tiền hoặc cho những mục đích xấu.
Dù từng nghe qua thủ đoạn lừa đảo này, anh Đ. cho rằng việc đầu dây bên kia đánh vào tâm lý mất CMND, sợ bị kẻ xấu lợi dụng nên anh dễ dàng tin tưởng.
“Nếu gặp trường hợp như tôi, mọi người cần bình tĩnh yêu cầu bên kia đưa giấy triệu tập, hoặc gửi thông báo về cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đang sinh sống. Đừng tự mình làm rõ thông tin, nếu không sẽ dễ bị chúng khai thác và thu thập dữ liệu”, anh Đ. nói. Anh cho biết đã nộp đơn trình báo lên UBND tại địa phương sinh sống để được xử lý.
Bị lừa hàng tỷ đồng vì cuộc gọi giả danh công an
Đây không phải lần đầu có người mạo danh điện lực, công an để lừa đảo người dùng. Công thức chung của các vụ lừa đảo là thông báo người dùng nợ cước, yêu cầu thanh toán, nối máy cho kẻ mạo danh công an. Cuối cùng, kẻ gian sẽ cố thu thập các thông tin cá nhân cần thiết và yêu cầu người dùng chuyển tiền.
Ngày 13/6, Công an thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại là chị Trần Thị N.
Theo đó, chị N. nhận cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là nhân viên tổng đài bưu điện, thông báo đang nợ cước và yêu cầu thanh toán. Họ còn giả danh Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội thông báo tài khoản của chị N. liên quan đến rửa tiền và ma túy.
Sau đó, kẻ gian hướng dẫn chị N. chứng minh không liên quan đến vụ án bằng cách mở nhiều tài khoản, chuyển tổng cộng 1,12 tỷ đồng. Chuyển xong, chị N. nghi ngờ bị lừa, nên đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện số tiền chuyển vào 2 tài khoản trên đã bị người khác chiếm đoạt.
Hồi tháng 5, hàng nghìn CMND được cho là của công dân Việt Nam bị rao bán trên Internet. Ảnh: TA. |
Trước đó vào tháng 5, một người đàn ông tại Hà Nội cũng bị lừa 2,6 tỷ đồng do tin lời cuộc gọi của công an giả danh.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Để làm việc với công dân, công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Trước đó vào tháng 5, nhiều CMND được cho là của công dân Việt Nam bị rò rỉ trên Internet. Một thành viên diễn đàn R**** đã rao bán khoảng 17 GB dữ liệu, gồm ảnh chụp 2 mặt CMND, ảnh selfie xác thực, địa chỉ, số điện thoại và email của hàng nghìn người. Toàn bộ gói dữ liệu được bán với giá 9.000 USD.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, thông tin cá nhân thường được hacker bán cho những kẻ lừa đảo. Từ thông tin cá nhân, kẻ lừa đảo dễ dàng có được lòng tin của nạn nhân, từ đó đưa ra các bước lừa đảo tiếp theo.