Đại tá Phạm Văn Chẩn - Chánh văn phòng Công an tỉnh Gia Lai cho biết, từ cuối năm 2013 đến khoảng tháng 4/2014 công an tỉnh phát hiện 18 lượt thương nhân Trung Quốc đến các huyện Chư Prông, Kong Chro, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, An Khê dưới dạng khách du lịch tự do để khảo sát thị trường, tìm hiểu việc thu mua dưa hấu với một số thương lái người Việt tại địa phương và tìm gặp một số hộ dân đặt vấn đề thuê đất để trồng dưa hấu không hạt được đưa từ Trung Quốc sang.
Các thương nhân Trung Quốc cho biết, đây là giống dưa ghép giữa gốc cây bí đỏ và dưa vàng không có hạt, rất ngọt, không sợ đất cũ. Giống dưa này khi bán giá sẽ cao gấp 2-3 lần so với giá dưa hấu truyền thống mà nông dân trồng xưa nay. “Diện tích người Trung Quốc dự tính thuê rất lớn, khoảng 300 ha. Hoạt động này không thông qua chính quyền địa phương theo quy định”, đại tá Phạm Văn Chẩn nói.
Người Trung Quốc lén lút, không thông qua chính quyền sở tại, khảo sát, thuê đất để “trồng dưa hấu không hạt”. |
Theo người phát ngôn Công an tỉnh Gia Lai, việc người Trung Quốc đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Gia Lai để thu mua nông sản, thuê đất sản xuất, giống dưa mà thương nhân Trung Quốc ý định đưa sang trồng tại địa phương không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ Trung Quốc chưa được cơ quan chức năng của Việt Nam cho phép là vi phạm pháp luật của Việt Nam, ảnh hưởng đến nền sản xuất và thị trường trên địa bàn tỉnh.
Số thương nhân Trung Quốc nói trên đến địa phương hầu hết đều có hành vi hoạt động trái mục đích nhập cảnh, vi phạm các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Chẩn cho biết, các lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tiến hàng mời, làm việc với 10 trường hợp và đã làm rõ, kết luận, xử lý hành chính 5 trường hợp người Trung Quốc về hành vi "người nước ngoài nhập cảnh có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền" theo quy định của Pháp lệnh về xuất nhập cảnh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Công an tỉnh cũng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành tăng cường làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn”, Đại tá Phạm Văn Chẩn nói.
Theo đó, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tiến hành kiểm tra thực tế tại các địa phương. Theo kết luận của Đoàn kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp người dân cho thương nhân Trung Quốc thuê đất để trồng dưa hấu.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Đoàn Ngọc Có - Trưởng phòng Nông lâm (UBND tỉnh Gia Lai) cũng cho biết, sau khi nhận được trình báo từ Công an Gia Lai, và kết quả từ Đoàn kiểm tra, UBND tỉnh đã ra văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở NN&PTNT cùng UBND các huyện, thị xã nêu cao cảnh giác, phòng ngừa. Văn bản nêu: Việc thương lái Trung Quốc thuê đất và trồng dưa hấu với giá cao dẫn đến tình trạng người dân cho thuê đất, hoặc chuyển đổi các cây trồng khác để mở rộng diện tích trồng dưa, tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng thừa. Và, không ngoại trừ làm sản phẩm ứ đọng, rớt giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân.
Trước việc làm khó hiểu, mập mờ của các thương nhân người Trung Quốc, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các ban, ngành nhanh chóng vào cuộc làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động việc “thuê đất trồng dưa hấu”. Đồng thời, yêu cầu chính quyền sở tại thắt chặt thị trường, kiểm tra các điểm tập kết thu mua nhằm xử lý việc “trao đổi” nông sản trái pháp luật. Đồng thời văn bản cũng đưa ra cảnh báo để người dân địa phương biết những chiêu bài thương lái Trung Quốc thường dùng để có biện pháp phòng tránh và không bị lợi dụng.
Trong khi trước đó, vào hồi cuối năm 2012, người Trung Quốc cũng đã thuê đất tại Long An để trồng "lúa lạ". Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng không có động thái xử lý cho đến khi sự việc được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh.
Sau khi Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng vùng Nam bộ, kết quả là giống lúa được trồng không thuộc loại giống lúa được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp phép chính vì vậy, Sở Nông nghiệp Long An đã cùng người dân tiêu hủy toàn bộ 1,4 ha “lúa lạ” được trồng khảo nghiệm trái phép tại ấp 1, xã hòa Phú, huyện Châu Thành.