Ông Hội, một nhà vườn ở Vạn Thành, nơi có diện tích hoa hồng lớn nhất của Đà Lạt, cho biết thông thường mặt hàng hoa dịp này rất được giá và bạn hàng từ các tỉnh thành thường đặt hàng trước lễ 10 ngày. Thậm chí có những năm còn xuất hiện thương nhân Trung Quốc tìm đến để gom hoa.
Nhưng năm nay tình hình lại trái ngược. Nếu như thông thường hoa hồng vào dịp Lễ Tình nhân có giá 3.500-5.500 đồng một cành tùy màu và tùy loại thì năm nay giá giảm hơn một nửa, sức tiêu thụ cũng yếu.
Theo nhiều nhà vườn trồng hoa hồng, phần lớn họ đã biết tình hình từ trước, vì sau khi Việt Nam công bố dịch virus corona thì sức tiêu thụ các loại hoa nói chung cũng đã bị giảm.
Lượng hoa dồi dào, nhưng nhiều nhà vườn lo lắng thị trường không tiêu thụ hết. Ảnh: Dũng Lê. |
Trước lễ 10 ngày do không thấy bạn hàng các tỉnh điện thoại, các nhà vườn chủ động liên lạc thì đều nhận được trả lời “đang trong trong thời gian có dịch viêm phổi cấp, nên phải chờ xem tình hình thế nào sẽ lấy hàng sau”.
Đến trước lễ 4 ngày, thời điểm được coi là cao điểm của nhà vườn thu hoạch hoa, số lượng đặt hàng cũng không nhiều, theo đó giá bị kìm lại. Vào các ngày 10-11/2, hoa hồng đỏ, loại đắt nhất nhà vườn Đà Lạt chỉ bán được 2.500-3.000 đồng một cành và giá hiện chỉ còn 2.000 đồng.
Năm nay thời tiết trước và sau Tết thuận lợi nên hoa hồng dịp 14/2 khá dồi dào nhưng sức tiêu thụ yếu, nhiều vườn có khả năng không tiêu thụ hết lượng hoa đã chuẩn bị.
Tại khu vực Ngã 5 đại học, một giao lộ lớn đông người qua lại của Đà Lạt, thường có một chợ hoa tươi tự phát vào những ngày lễ. Theo ghi nhận, số quầy tham gia kinh doanh tại đây không giảm so với những ngày lễ khác nhưng sức tiêu thụ giảm hẳn.
Người bán hoa tươi tại đây cho biết bình thường chợ rất đông vì nằm cạnh Đại Học Đà Lạt, nơi có trên 10.000 sinh viên. Tuy nhiên, hiện nhà trường cho sinh viên nghỉ để chống dịch nên sức mua giảm tới hơn 40%.