Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá gas tiếp tục tăng gần 60.000 đồng/bình 50 kg

Giá gas thế giới nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh kéo theo giá mặt hàng này trong nước tăng theo từ ngày 1/4. Mức tăng phổ biến là 14.000 đồng đối với mỗi bình gas 12 kg.

Ngày 31/3, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết giá gas bán lẻ trong nước sẽ tăng trở lại trong ngày đầu tháng 4. Đây là lần tăng thứ 3 liên tục của mặt hàng này từ đầu năm đến nay.

Trao đổi với Zing, ông Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), cho biết các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp tăng 7.000 đồng/bình 6 kg, 14.000 đồng/bình 12 kg, 52.500 đồng/bình 45 kg và 58.000 đồng/bình 50 kg.

"Các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 538.500 đồng/bình 12 kg, 2.018.000 đồng/bình 45 kg và 2.242.000 đồng/bình 50 kg...", ông nói.

Theo ông Tuấn, giá gas trong nước tiếp tục tăng theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc. "Giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 4 tăng lên 42,5 USD/tấn so với tháng 3 nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng", ông nói.

Tương tự, Công ty Saigon Petro cũng thông báo từ ngày 1/4 giá bán gas Saigon Petro tăng 14.000 đồng/bình, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 516.000 đồng/bình 12 kg.

GIÁ GAS THƯƠNG HIỆU SAIGON PETRO THỜI GIAN QUA

Nhãn1/91/101/111/121/1/20221/21/31/4

đồng/bình 12 kg 419500461500478500454500444000460000502000516000

Giá xăng, dầu, gas tăng liên tục và lên mức cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, các ngành vận tải, sản xuất. Điều này sẽ kéo theo giá hàng hóa thiết lập mặt bằng mới, tạo áp lực lên lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế.

Theo Tổng cục thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021.

Tính chung quý I, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Trước đó, ngày 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.

Phó thủ tướng yêu cầu trong điều kiện biến động khó lường, phải tăng cường các biện pháp quản lý. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn liền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.

Chuỗi F&B chật vật giữ giá

Giá xăng, gas tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay đang trở thành bài toán mới cho các ngành dịch vụ, thương mại. Nhiều nơi buộc phải điều chỉnh giá bán hoặc cắt giảm chi phí.

Giá gas tăng 157.500 đồng/bình 45 kg từ ngày mai

Giá gas thế giới nhập khẩu tăng mạnh kéo theo giá gas trong nước tăng theo từ ngày 1/3. Mức tăng phổ biến là 42.000 đồng đối với mỗi bình gas 12 kg.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm