Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình trẻ bỏ phố về ngoại ô, cho 3 con tận hưởng tuổi thơ

Để các con sống gần gũi với thiên nhiên, có tuổi thơ vui vẻ và hiểu được giá trị của sức lao động, gia đình chị Thùy Linh quyết định bỏ phố thị, chuyển đến sống ở vùng núi rừng.

Từ năm 2017, chị Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1990) đã chạy mòn khắp các cung đường Hà Nội - Hòa Bình để tìm kiếm mảnh đất thỏa mãn ước mơ về sống giữa thiên nhiên, có ngôi nhà nhỏ, vườn rau, khu vui chơi cho trẻ con. Vì yêu thiên nhiên và mong muốn con được học, sống giữa thiên nhiên, chị gửi con gái lớn Xuka trên một ngôi trường tư thục, nằm giữa đồi ở Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội 40 km.

Thế rồi, nhân duyên đưa chị Thùy Linh tìm đến mảnh đất dừng chân cho cả gia đình, giữa núi đồi, cách trường của Xuka chỉ hơn 1 km. Tiếp đó là những ngày tháng sáng đi chiều về. Sáng nào, chị cũng chở con đi học rồi đến mảnh đất đấy để giám sát công việc xây dựng.

Cuoc song vui ve giua nui rung anh 1

Chị Linh xây dựng cuộc sống bình yên giữa thiên nhiên, trồng rau, nuôi gà.

Về quê sống khi dịch bùng phát lần 3

Thời gian đầu, quyết định của chị Thùy Linh không nhận được sự ủng hộ của chồng. Anh có công việc ở thành phố, chưa từng nghĩ sẽ chuyển đến sống ở nơi “khỉ ho cò gáy”.

Hơn nữa, họ có nhà, người thân, công việc của cả hai để ở khu vực trung tâm Hà Nội. Chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát, nhịp sống chậm lại, chồng chị mới chốt việc ra ngoại ô sống.

“Mùa đông năm ngoái, khi ngôi nhà vừa xây dựng được 1/3, cũng là thời điểm dịch bùng phát lần thứ 3, gia đình tôi chuyển hẳn lên đây sống. Trước đó, chúng tôi cũng có quyết định này nhưng còn lưỡng lự”, chị Thùy Linh nói về việc chuyển đến sống ở ngôi nhà chị đặt tên là Kana Hill.

Chị nói thêm ban đầu, mong muốn chuyển vào sống ở vùng núi không phải vì dịch bệnh. Nhưng khi dịch bùng phát, chị mới cảm thấy may mắn vì đã hoàn thành một phần nhà, có nơi để gia đình tránh dịch, tận hưởng thiên nhiên. Dịch bệnh cũng củng cố quyết định về định cư nơi núi đồi.

Về đây, họ cảm nhận rõ sự thay đổi không khí. Gia đình tránh xa ồn ào, nguy cơ dịch bệnh ở thành phố lớn đông đúc. Điều kiện sống cũng tốt với môi trường sạch sẽ, an toàn, cuộc sống chầm chậm, không xô bồ.

Việc di chuyển về trung tâm không khó khăn nhờ có đường cao tốc nối liền. Họ không phải chịu cảnh tắc đường.

Hiện tại, cuộc sống của gia đình chị vẫn rất phong phú, bận rộn. Khu nhà của chị tiến vào xây dựng giai đoạn 2. Chị còn có 3 đứa con nhỏ cần chăm sóc, trông nom, con lớn nhất sắp vào lớp 1 trong khi con thứ hai mới một tuổi rưỡi và bé út 4 tháng.

Hàng ngày, chị Thùy Linh dậy từ 6h, tưới cây, chăm lo vườn tược, lên khu vực đang xây dựng để giao việc cho thợ rồi trở lại nhà cho con ăn. Cả ngày, chị chạy qua chạy lại giữa hai khu để vừa kèm con học, cùng con chơi vừa có thể lo lắng công việc.

Cuộc sống của bà mẹ 3 con tất bật cả ngày. Thậm chí, giờ trưa, lúc con nghỉ ngơi, chị cũng dành thời gian để suy ngẫm về công việc kế tiếp, tìm hiểu thông tin.

May mắn khi con được sống giữa thiên nhiên

Dù bận rộn suốt ngày, chị Nguyễn Thùy Linh luôn cảm thấy may mắn vì quyết định rời phố thị, lên sống ở vùng núi rừng.

Không gian rộng rãi, cỏ cây, hoa lá là những thứ gia đình họ khó được nếu cứ ở yên trong thành phố, sống trong căn chung cư cao tầng. Về đây, ngoài giờ học online, con gái chị được ra vườn chơi với cây cỏ, cát sỏi, đùa nghịch cùng chó, mèo.

Hồi dịch chưa căng thẳng, cuối tuần, họ hàng lại lên chơi. Thêm vào đó, người dân xung quanh sống chan hòa nên Xuka cũng như cả gia đình chị Thùy Linh có thể trò chuyện với nhiều người.

“Hàng xóm của tôi là những người bỏ phố về rừng và có cả người dân tộc thiểu số. Mọi người thân thiện, chân thành, sống tình cảm, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Môi trường như vậy rất tốt cho con”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Chị cho rằng hiện tại, 3 đứa con còn nhỏ nên các con mới chỉ tận hưởng cuộc sống ở giữa núi đồi chứ chưa hiểu hết. Sau này, các con sẽ biết trân trọng việc được trưởng thành trong không gian như vậy, được chạy nhảy, cảm nhận hương thơm của đồng lúa, biết giá trị của lao động, tích lũy rất nhiều bài học kinh nghiệm.

Nếu gia đình chị vẫn sống ở Hà Nội, để con lao vào học đàn, học múa cùng hàng loạt thứ khác, con sẽ khó có cơ hội về với thiên nhiên và có tuổi thơ đúng nghĩa. Không những thế, ở vùng ngoại ô, con còn học được kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe như đạp xe, đi đường trơn, đi lại lúc trời tối, tránh nước, xử lý khi gặp chó dữ...

Đương nhiên, mong mỏi con trưởng thành tự nhiên, chị Thùy Linh không gò ép con làm việc gì hay học thứ gì. Cũng nhờ đó, chị cảm thấy việc nuôi 3 con nhỏ không quá vất vả.

Mọi thứ diễn ra bình yên, chầm chậm. Con chị vẫn học online trong những ngày này để có thể gặp gỡ, trò chuyện với thầy cô, bạn bè dù chỉ qua màn hình. Hơn nữa, chị cũng cố gắng trau dồi khả năng ngoại ngữ cho con.

Lúc không học, con có thể dùng iPad để xem các video về thủ công rồi tự mày mò cắt dán. Cô bé chưa vào lớp 1 thích chạy nhảy, chơi đùa nhưng vẫn biết chăm hai em nhỏ.

Những ngày chưa thực hiện giãn cách, niềm vui của con đơn giản chỉ là mỗi buổi chiều, cùng mẹ đạp xe quanh làng, ngắm cánh đồng, ao hồ dù do dịch, con phải đeo khẩu trang suốt và không tiếp xúc gần hay trò chuyện với ai.

Những điều nhỏ trong cuộc sống như cùng bố đập muỗi mỗi tối cũng mang lại tiếng cười cho 3 đứa trẻ. Chị Linh nói thêm nhờ hoạt động này, bé Xuka còn học được thêm câu đố vui về con muỗi “vì mày, tao phải đánh tao, vì tao, tao phải đánh cả tao lẫn mày”.

Khi dịch bùng phát, chị Nguyễn Thùy Linh càng cảm thấy may mắn gấp bội vì đã rời phố thị. Thay vì lo lắng con bị nhốt trong 4 bức tường, không có việc gì làm ngoài xem TV, iPad, chị có thể để con vui chơi trong nhà với đủ trò hay chạy nhảy trong khu vườn rộng lớn hoặc cùng mẹ lên công trường.

“Với tôi, dịch Covid-19 bùng phát là khoảng thời gian để gia đình ở cạnh nhau nhiều hơn, cùng làm nhiều việc có ý nghĩa, chăm sóc nhau và lũ trẻ vẫn được vui chơi thoải mái”, bà mẹ 3 con tâm sự.

Cuoc song vui ve giua nui rung anh 10

Những giây phút bình yên bên gia đình.

Cách 3 mẹ con vượt qua gần 3 tháng ở nhà

Ba mẹ con Nguyệt Linh - nữ sinh từng gây tiếng vang với đề xuất không thả bóng bay ngày khai giảng - trải qua những ngày bận rộn nhưng không nặng nề khi ở nhà do dịch Covid-19.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm