Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2019. Tập đoàn sẽ chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 5% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng) và 20% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu nhận thêm 2 cổ phiếu mới).
Ngày đăng ký cuối cùng là 30/7 và ngày thanh toán dự kiến là 7/8. Với 2,76 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát dự kiến chi 1.380 tỷ đồng và phát hành 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu Hòa Phát chia cổ tức tiền mặt từ sau 2015.
Hiện tại Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long đang sở hữu trực tiếp 700 triệu cổ phiếu công ty. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cùng con trai Trần Vũ Minh đồng thời nắm giữ 242,6 triệu cổ phiếu Hòa Phát.
Cộng thêm cổ phần của một số thành viên khác, gia đình ông Trần Đình Long sở hữu tổng cộng gần 944 triệu cổ phiếu, tương ứng 34,2% cổ phần của Hòa Phát. Như vậy, trong đợt chia cổ tức sắp tới, gia đình ông Long dự kiến nhận về 472 tỷ đồng tiền mặt và 188,8 triệu cổ phiếu của Hòa Phát.
Cơ cấu cổ đông của Hòa Phát | |||
Nhãn | Gia đình ông Trần Đình Long | Cổ đông khác | |
cổ phần | % | 34.2 | 65.8 |
Năm nay, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 86.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ đồng. Kết thúc quý I, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long báo cáo doanh thu thuần đạt 19.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ.
Khi phần lớn doanh nghiệp đối diện tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ông Trần Đình Long nhận định ngành thép ít bị ảnh hưởng vì hiệu ứng đầu tư công để kích thích kinh tế. Ông Long đánh giá gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng của Chính phủ nếu chủ yếu giải ngân cho hoạt động xây dựng hạ tầng, sản lượng tiêu thụ của thị trường thép sẽ tăng trưởng tốt.
Lãnh đạo Hòa Phát kỳ vọng đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, vượt qua Formosa.