Với đề tài tâm lý xã hội và y học, Ngôi nhà của người cá say ngủ xoay quanh câu chuyện về một cặp vợ chồng dự định sẽ ly hôn sau khi cô con gái Mizuko vào cấp một. Nhưng tin dữ ập đến, một tai nạn bất ngờ không may ập đến với cô bé ở bể bơi. Và sự thật còn đau đớn hơn gấp bội khi đứa con gái duy nhất của họ đã chết não nhưng trái tim vẫn còn đập bởi một sức mạnh kì lạ.
Chính vào giây phút dấu hiệu của sự sống đang lụi tàn dần, cha mẹ cô bé phải tiếp nhận một sự thật tàn khốc: có nên hiến tạng của cô bé hay không?
Trái tim cô bé vẫn còn đang đập và những ràng buộc riêng trên mặt luật pháp đã không cho vị bác sĩ nào dám khẳng định cô bé đã tử vong. Họ buộc lựa chọn tiếp tục chăm sóc đứa con gái đã rơi vào trạng thái thực vật hay buông tay, chấp nhận hiến tạng đứa con gái yêu duy nhất?
Tất cả tạo nên một chuỗi những âu lo với bố mẹ cô bé :“Vậy kẻ hại chết con gái tôi sẽ là tôi sao? Không chỉ là những trăn trở về mặt pháp luật mà còn nhen nhóm hi vọng mong manh rằng chỉ cần trái tim còn đập thì một ngày kia cô bé sẽ dần lấy lại ý thức?.
Sách Ngôi nhà của người cá say ngủ. |
“Liệu cố gắng níu giữ sự “sự tồn tại” của một người đã chết có ý nghĩa gì? Hay đây chỉ là sự ích kỷ của bản thân họ khi từ chối hiến tạng con gái mình?
Vẫn còn đó sự tò mò và hồi hộp nhưng lại thêm vào những diễn biến tâm lý xã hội sâu sắc về ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhà văn Keigo đã khéo léo gợi nhắc một khía cạnh nhức nhối không chỉ tồn tại trong xã hội Nhật Bản mà còn có giá trị hiện thực ở nhiều nơi trên thế giới về vấn đề hiến tạng.
Cuốn sách còn giống như một lời gợi nhắc về tình cảm gia đình, về tấm lòng của những người làm cha làm mẹ dành cho những đứa con của mình. Gia đình là nơi không ngừng yêu thương và không bao giờ nói bỏ cuộc. Rõ ràng chỉ có yêu thương mới khiến người ta trăn trở đến thế, muốn cố gắng hết sức để cứu con gái yêu duy nhất.
Giống như người cá vậy, cô bé Mizuko có một trái tim thật đẹp, những nhịp đập yếu ớt vẫn muốn gửi gắm đến cha mẹ tình yêu chưa một lần nói ra.
Higashino Keigo sinh năm 1958 tại Osaka, là nhà văn trinh thám hàng đầu hiện nay tại Nhật Bản. Năm 1985, Higashino Keigo giành được giải Edogawa Rampo lần thứ 31 cho tác phẩm trinh thám hay nhất với tiểu thuyết Giờ tan học. Các năm sau đó, Higashino Keigo liên tục được đề cử vô số các giải thưởng văn học lớn. Các tác phẩm của ông liên tục nhận nhiều giải thưởng danh giá và được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình.