Dù Italy là nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch và cả nước phải trải qua thời gian giãn cách xã hội, việc 4 thế hệ trong gia đình anh Marzio Toniolo được trải qua cách ly cùng nhau vẫn là điều tuyệt vời. Trong ảnh, các thế hệ trong gia đình cụng ly thưởng thức bữa ăn sau khi làm xong món ravioli. |
Thành viên nhỏ tuổi nhất là Bianca, 3 tuổi, và già nhất là ông cố Gino, 87 tuổi. Lệnh phong tỏa đã trở thành bài kiểm tra về sự hòa hợp của các thành viên khi ai cũng có mối lo riêng. Nhưng Toniolo tin rằng gia đình anh sẽ vượt qua. |
Toniolo, giáo viên tiểu học 35 tuổi, cùng người vợ Chiara, 32 tuổi và cô con gái Bianca đang ở nhà của ông bà ở San Fiorano, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc Italy. |
Họ chuyển đến đây từ Milan và tìm được việc trong các trường học địa phương. Họ đang chờ được chuyển đến ngôi nhà của họ ở thị trấn. Cha của Toniolo, ông Massimo, 62 tuổi, cũng đến thăm gia đình từ Sardinia. Trong ảnh, anh Toniolo chơi trò "mẹ và em bé" trong nhà khi ngoài trời đổ mưa. |
Ngày 21/2, San Fiorano bỗng trở thành “vùng đỏ” của Italy, khi nhiều thị trấn của vùng Lombardy bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. “Khoảnh khắc tồi tệ nhất là khi người đầu tiên ở San Fiorano qua đời. Tôi cảm thấy rất lo lắng”, anh Toniolo nói. “Đêm hôm đó, tôi gần như bị hoảng loạn và lần đầu tiên phải uống thuốc an thần sau nhiều năm”. Trong ảnh, vào ngày thứ 14 cách ly, bà của Toniolo, Ines Prandini, 85 tuổi, đã đặt chuông đồng hồ báo thức sau 30 năm để “mang lại sự sống cho ngôi nhà”. |
Sau đó, lệnh phong tỏa hà khắc được mở rộng ra toàn bộ nước Italy. Sau khoảng một tháng, cha của anh Toniolo trở về nhà ở Sardinia. Trong ảnh, Toniolo và ông nội chơi bài ở nhà. |
Mọi thứ bắt đầu lắng xuống nhưng lúc này mối quan tâm thực sự lại chuyển sang ông Gino, người bị mất trí nhớ ngắn hạn. “Ban đầu, chúng tôi rất sợ hãi và không cho ông ra ngoài. Bà tôi thường xuyên đi nhà thờ nhưng từ khi bệnh tình của ông tôi trầm trọng hơn thì bà không đi nữa”, anh Toniolo kể. |
Ông Gino được cho đi ngủ sớm và thức dậy vào lúc 22h. Ông tin rằng lúc đó là giờ ăn sáng. Ông không hiểu vì sao mình phải ở trong nhà và cũng không có khái niệm về virus corona. Vì vậy, gia đình đành nói với ông là cúm Tây Ban Nha đã quay trở lại. Trong ảnh, bà Ines làm món bánh ravioli với vợ chồng con trai. |
Cúm Tây Ban Nha bùng phát trong những năm 1918-1920 và thế hệ của ông Gino đã nghe về những điều đó khi họ còn trẻ. “Ông ấy biết đó là gì và bắt đầu hiểu ra”, anh Toniolo nói. Ông Gino bây giờ được đeo khẩu trang và đi dạo, nhưng những người xung quanh nhìn ông với ánh mắt e dè, cảnh giác. |
Bianca cũng giúp cụ Gino thích nghi với tình hình. “Không, cụ ơi, có virus corona đấy. Cụ đừng hôn cháu”, cô nói với cụ. |
Anh Toniolo và chị Chiara gửi bài giảng và bài tập về nhà cho học sinh qua mạng. |
Đến ngày 26/4, Italy tuyên bố nới lỏng dần các hạn chế đi lại. Hơn lúc nào hết, Toniolo, Chiara và cô con gái mong muốn có thể chuyển đến ngôi nhà mới của họ. Ngôi nhà chỉ cách nhà ông bà họ vài mét. Và các thành viên gia đình vẫn có thể chăm sóc lẫn nhau. |