Năm nay, gia đình ông Tưng, bà Xúi ở xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội) được gói bánh chưng, mổ gà, sum vầy đón giao thừa trọn vẹn sau hơn 40 năm không có Tết.
|
Trong ngôi nhà cũ 3 gian nằm cuối thôn Võ Lao, xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội), bà Đỗ Thị Xúi (70 tuổi) đang nóng lòng đợi cậu con trai út Nguyễn Văn Thêm (29 tuổi) cùng vợ đi chợ làng Chuông ngày cuối năm về để chuẩn bị bữa cơm tất niên đón giao thừa.
|
|
Nhớ quãng thời gian của tuổi trẻ, bà Xúi nheo đôi mắt giảm thị lực kể, thời con gái bà cũng như các thiếu nữ trong làng yêu người lính, đó là ông Nguyễn Văn Tưng (SN 1941), người cùng xã. Gần 10 năm chiến đấu tại chiến trường Bình – Trị - Thiên, ông Tưng nhiều lần viết thư về thăm hỏi, động viên bạn gái. Có lần ông còn thông báo bị bom đạn làm tổn thương cánh tay trái phải cắt bỏ khiến bà, người thân lo lắng.
|
|
Năm 1970, ông Tưng hoàn thành nhiệm vụ trở về quê, cơ thể chỉ bị một vết thương ở đầu đã lành lặn. Ông và bà Xúi được gia đình hai bên tổ chức đám cưới.
|
|
Một năm sau, bà Xúi đã sinh hạ một người con trai khôi ngô, tuấn tú. Tuy nhiên đến 3 tuổi mà con trai bà vẫn chưa thể nói, không hoạt bát chạy nhảy, nghịch ngợm như bao đứa trẻ khác. Những năm sau, bà sinh liền 7 người con (2 trai, 5 gái). Hầu hết các con ông bà đều có những di chứng lạ. Rồi cả các cháu nội ra đời cũng vậy. Riêng 5 cô con gái của bà Xúi thì xây dựng gia đình và đều ở xa. Trong ảnh: gia đình anh Nguyễn Văn Thêm (39 tuổi), con trai út bà Xúi có 5 mặt con nhưng đều không bình thường.
|
|
Con trai thứ tư của anh Thêm năm nay lên 7 tuổi nhưng chưa biết nói, chưa được đặt tên. Cả nhà đều gọi là Tư. Tư là người chịu ảnh hưởng bệnh lạ nặng nhất khi không ý thức được việc mình làm. Nhiều đêm cả nhà đang ngủ, cháu mở cửa đi lang thang ngoài đường. |
|
Bà Xúi cho biết, kể từ ngày lấy chồng và sinh liền 8 người con, kinh tế gia đình khó khăn, nhất là khi chồng bà được phát hiện mắc chứng bệnh lạ, sức khỏe ngày càng suy yếu. Hàng ngày, bà cáng đáng việc đồng áng, mò cua bắt ốc nhưng không đủ nuôi con. Các con được sinh ra lại mắc bệnh theo di truyền của bố không đỡ đần được nhiều. Mỗi khi tết đến, xuân về, nhìn hàng xóm nườm nượp đi sắm tết, bà lại lặng lẽ đi mót khoai, nhặt bông lúa còn sót ngoài đồng về độn với củ chuối ăn qua ngày. Hơn 40 năm, chưa tết nào gia đình bà đầm ấm sum vầy bên mâm cỗ tất niên có đầy đủ bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành. Năm nay, thông tin hoàn cảnh gia đình bà được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều đơn vị đã ủng hộ, quyên góp xây dựng cho ông bà một căn nhà cấp 4 mới khang trang hơn. |
|
Gia đình bà cũng được hỗ trợ tiền mua gạo nếp, mua rau quả đón xuân Ất Mùi 2015. Con dâu tên Phượng đã mua sẵn nụ tầm xuân để góc nhà. Sáng sớm 29 Tết, vợ chồng con trai út bà Xúi tranh thủ đi bộ ra chợ làng Chuông cách nhà 3 km mua gạo nếp, lá dong để gói bánh. Cầm bó tầm xuân trên tay, bà Xúi nghẹn ngào khoe: "Năm nay các cháu nội được ăn Tết đúng nghĩa, đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... và có cả hoa nữa. Tôi vui lắm!" |
|
Chiếc tivi gia đình bà mới được tặng để xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Ông Đặng Văn Thiết, Trưởng thôn Võ Lao cho hay, ngôi nhà ông Tưng, bà Xúi được khánh thành từ tháng 7/2014. Từ đó, gia đình không còn sống cảnh dột nát nữa. Bếp nấu cơm, nhà vệ sinh được xây khép kín, có nước sạch tận nơi. Chính quyền địa phương cũng đã xem xét làm lại sổ thương binh đã bị mất và hộ khẩu mới cho gia đình ông. |
Hà Nội
gia đình
ba đời không có Tết
Nguyễn Văn Tưng
Đỗ Thị Xúi