Sau nhiều ngày vừa đấu tranh tâm lý, vừa theo dõi câu chuyện của một gia đình 40 năm nuôi nhầm con ở Hà Nội, chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) quyết định công bố câu chuyện thầm kín với mong muốn tìm kiếm cha mẹ đẻ của mình.
Chị kể, 29 năm trước, ngày 12/12/1987, mẹ mình là bà Phan Thị Tuyết Hoa cũng bị trao nhầm con khi đẻ tại nhà hộ sinh quận Đống Đa.
"Tôi khác nhóm máu của cả gia đình"
Hiền tâm sự với Zing.vn rằng, từ nhỏ, mọi người trong họ vẫn hay bông đùa chị là con nuôi bởi ngoại hình, tính cách khác so với các thành viên còn lại trong gia đình bà Hoa. Những lần ấy, chị chỉ tủi thân chốc lát rồi quên.
Lấy chồng rồi sinh 2 con vào các năm 2007 và 2010, chị cho biết, trước khi lâm bồn, bệnh viện đều làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy chị thuộc nhóm máu B.
Chị Hiền bật khóc khi kể về câu chuyện của cuộc đời mình. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Trong một lần tình cờ nhìn sổ khám của bố, chị bất ngờ khi thấy ông mang nhóm máu O. Xâu chuỗi các câu chuyện từ lời trêu trọc thường nghe lúc nhỏ đến sự khác biệt trong nhóm máu, người phụ nữ này quyết định đi giám định ADN.
Ngày 5/5/2013, chị giấu cả nhà đến Viện khoa học hình sự - Bộ Công an để làm các xét nghiệm.
3 ngày sau, khi lên đường đến nhận kết quả, chị có tâm trạng phấn chấn, mong rằng sẽ xóa đi sự hoài nghi của mọi người. Nhưng sự thật không như mong đợi, cầm kết quả trên tay, mọi thứ đều đổ sụp trước mặt người phụ nữ sinh năm 1987.
"Cầm kết quả trên tay, tôi nghẹt thở rồi ngã khụyu. Các anh công an có mặt tại đó đã ra đỡ dậy và hỏi han. Sau một lúc, tôi mới định thần trở lại và chia sẻ về câu chuyện", chị nhớ lại.
Trên đường về, bao ký ức tuổi thơ cứ dội về trong lòng chị. Chị Hiền kể mình vừa đi vừa tự hỏi tại sao không phải là con của bố mẹ? Bố mẹ xin mình từ đâu hay chính ông bà cũng không biết...
Đầu óc vô định, chị lái xe qua nhiều tuyến phố và dừng lại ở một góc khuất bên cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) suy nghĩ.
Nhớ lại thời điểm ấy, anh Triệu Khắc Dũng (30 tuổi, chồng chị Hiền) kể, cả ngày hôm đó không gặp vợ, đến tối muộn cũng không thấy về. Anh bồn chồn gọi điện cả chục cuộc mới thấy vợ bắt máy.
"Nghe cô ấy nói đang ở trên cầu Chương Dương, tôi lao xe tới đón mà không hiểu có chuyện gì. Về tới nhà, lấy tờ giấy trên tay vợ ra đọc thì tôi mới hiểu. Lúc đó chỉ biết ôm vợ vào lòng, cô ấy rất đau khổ", anh Dũng chia sẻ.
Một tuần sau khi biết kết quả, chị Hiền quyết định báo với mẹ. Dù đã trấn an tinh thần người nuôi dưỡng mình gần 30 năm và dặn lòng bản thân phải kiềm chế, nhưng cả 2 người phụ nữ đều xúc động tột cùng. Bà Hoa không tin rằng đứa con gái chăm bẵm từ tấm bé lại không cùng huyết thống.
"Con đến bên mẹ như một thiên thần. Mẹ không thể quên hình hài, ánh mắt của con khi đón con từ trên tay bố. Đôi môi đỏ, làn da trắng và những sợi tóc nâu lưa thưa ấy. Mẹ luôn tự hào vì sinh con ra đẹp hơn mọi người. Sao con lại không phải con của mẹ?” là lời bà Hoa nói với con gái trong giây phút xúc động.
Chị Hiền và bà Phan Thị Tuyết Hoa. Ảnh: NVCC. |
"Ngày nhỏ, con bé ăn uống khó, thường xuyên ốm đau và phải vào bệnh viện. Tôi nhớ năm 3 tuổi, sau khi ngủ dậy, con gái tôi không đứng dậy nổi vì liệt chân. Hai vợ lập tức chở con đi châm cứu trong nỗi sợ hãi.
Tôi thương và lo cho Hiền hơn cả con gái thứ 2. Bởi Hiền hay ốm, cảm, nhiều lần nghịch ngã gãy chân, gãy tay. Tôi từng nghĩ Hiền chọn gen lặn của bố mẹ. Nào ai ngờ đến tận chuyện này” - bà Hoa bày tỏ.
Chiều hôm ấy, bà Hoa đem chuyện nói với chồng và nhận phản ứng dữ dội.
Theo chị Hiền, bố mẹ chị sống tình cảm, ở với nhau chưa một lần to tiếng. Khi nghe chuyện, ông gào lên. Ông quát tháo, nói 2 mẹ con chị bịa chuyện.
Ông Lê Văn Chung (bố chị Hiền) sau đó yêu cầu mọi người trong gia đình đi xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy, cả nhà mang nhóm máu O, chỉ riêng chị Hiền là B. Chưa tin vào sự thật, ông cùng con gái tới xét nghiệm cấu trúc gen. Một lần nữa, chị và gia đình thất vọng trước kết quả không mong đợi.
Hành trình tìm người thân
3 năm qua, chị Lê Thanh Hiền cùng gia đình nỗ lực tìm lại người thân. Họ tìm đến nhà hộ sinh Đống Đa nhưng lãnh đạo đơn vị từ chối hỗ trợ. Để có hy vọng, gia đình chị Hiền đã nhờ luật sư giúp đỡ, tư vấn cách tìm kiếm.
Sau một thời gian thu thập tài liệu, chị được luật sư báo tin rằng trong hôm 12/12/1987, có 6 sản phụ tới đẻ ở nhà hộ sinh quận Đống Đa. Sàng lọc 6 trường hợp này, chị Hiền chú ý tới một người lâm bồn trước mẹ Hoa 15 phút. Tìm được manh mối về người này, chị Hiền cùng chồng tìm cách liên lạc và bị bà từ chối khi nghe chuyện đang đi tìm mẹ.
Chị Hiền (áo đỏ) trông khác hoàn toàn với em gái mình. Ảnh: NVCC. |
Kể từ khi biết tin, chị Hiền cùng gia đình từng dùng đủ cách để tìm kiếm, mong mỏi vào một điều bất ngờ. Tuy nhiên gia đình chị chưa từng nhờ công an hay chính quyền giúp vì lo sẽ ảnh hưởng tới nhiều người.
Gần đây, sau khi theo dõi câu chuyện của một gia đình 40 năm nuôi nhầm con ở Hà Nội đăng tải trên các phương tiện truyền thông, chị bảo quyết tâm công bố câu chuyện thầm kín bấy lâu với hy vọng tìm được gia đình.
"Dù 3 năm hay 10 năm, tôi sẽ không dừng hy vọng. Tôi muốn tìm được mẹ đẻ mình để biết bà đang sống ra sao. Tôi cũng muốn tìm con đẻ cho mẹ Hoa vì bà cũng đau khổ, dằn vặt lắm", chị Hiền chia sẻ.
Trò chuyện với bà Phan Thị Tuyết Hoa, người phụ nữ 52 tuổi rưng rưng nhớ lại câu chuyện trớ trêu gần 30 năm trước.
Bà Hoa kể tới nhà hộ sinh quận Đống Đa chờ đẻ vào rạng sáng ngày 12/12/1987. Sinh con lúc 4h35 cùng ngày, bà chỉ được nghe người đỡ thông báo sinh bé gái.
8h ngày 12/12, bà mới trông thấy con sau 4 tiếng chờ mòn mỏi. Nhận con từ tay chồng, bà Hoa nhìn thấy số ghi trên đùi con mờ. Quay sang hỏi về việc này thì ông nói do con vừa đi tắm, thay tã nên số mờ đi. Không mảy may suy nghĩ, người phụ nữ năm xưa đem con về nuôi nấng trong tình yêu thương hết mực.
Kể về bố mình, chị Hoa nói sau khi ông biết chuyện ít nói hơn. "Mẹ kể 3 năm qua bố khóc rất nhiều nhưng chưa bao giờ ông tâm sự, động viên gì vì tôi. Tôi không trách bố vì biết ông rất đau lòng", chị Hoa kể.