Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá điện tăng gần 22%: Chất lượng có đi đôi với giá?

Từ nay đến năm 2015, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh đến mức tối đa là 1.835 đồng/kWh. Theo các chuyên gia, cần tính toán đầy đủ các tác động xã hội, tránh trường hợp ngành điện được lợi, còn ngành khác thì gặp khó.

Nhân viên thu tiền điện tại nhà người dân ở P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 15-11 - Ảnh: T.T.D.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân từ năm 2013-2015 (chưa tính thuế VAT) sẽ từ 1.437-1.835 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), điều đó không có nghĩa sẽ tăng ngay giá điện...

Theo quyết định (2165/QĐ-Ttg) của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh nhưng cao nhất không vượt quá mức tối đa là 1.835 đồng/kwh và nếu điều chỉnh giảm sẽ không thấp hơn mức giá tối thiểu trong khung là 1.437 đồng/kWh.

Tăng gần 22%

So với mức bình quân hiện nay (1.508,85 đồng/kWh) áp dụng từ ngày 1/8, giá điện bình quân tối đa đến năm 2015 sẽ tăng gần 22%. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch hội đồng thành viên EVN, cho biết Thủ tướng đã có ý kiến hết năm nay sẽ cơ bản không điều chỉnh. Việc ban hành quyết định đã cụ thể hóa được khung giá điện, mức tối thiểu và mức tối đa được phép điều chỉnh đến năm 2015 chứ không có nghĩa tăng ngay giá điện. Ngoài ra, khung giá từ 1.437-1.835 đồng/kWh cũng không có nghĩa đến năm 2015 giá điện chắc chắn sẽ là 1.835 đồng/kWh.

Cũng theo ông Vượng, dù đã có khung nhưng mỗi lần điều chỉnh EVN sẽ vẫn phải làm các thủ tục theo đúng quy định hiện tại, như tính toán, đề xuất, được các bộ ngành xem xét, thẩm định... “Đó chỉ là ngưỡng, còn giá điện có tăng tới mức đó hay không, tăng thời điểm nào còn tùy thuộc điều kiện cụ thể, sự điều hành của Chính phủ, các bộ cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội” - ông Vượng nói.

Trả lời về khung giá 1.437-1.835 đồng/kWh đã đề xuất, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết việc tính khung giá được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, trên cơ sở giá thành đã được kiểm toán của EVN và một số khoản hiện vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá thành điện. Theo vị này, giá điện của VN hiện nay đang thấp, chưa khuyến khích được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào ngành điện để đảm bảo nhu cầu điện trong tương lai có thể tăng cao. Khung giá điện này nhằm định hướng nhưng thực hiện ra sao, lúc nào tăng, mỗi lần tăng bao nhiêu sẽ được tính toán cụ thể.

Trước câu hỏi tại sao khi đã công bố khung giá trong hai năm tới mà Bộ Công thương không ban hành lộ trình cụ thể để người dân biết, vị này cho rằng trong điều kiện hiện tại, theo ông, chưa thể quyết định ngay lộ trình cụ thể. Do giá điện tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế xã hội nên không thể cứng nhắc theo một mốc thời điểm nào đó, mà phải chọn thời gian thích hợp, trên cơ sở cân nhắc các yếu tố để thực hiện mục tiêu giá điện theo cơ chế thị trường...

Nên tăng có lộ trình, cẩn trọng

Theo ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, đến năm 2020 VN cần tới 75.000MW điện, trong khi đến nay VN mới làm được khoảng 28.000MW. Như vậy trong bảy năm tới, VN sẽ phải xây dựng các nhà máy điện với công suất hơn gần gấp đôi tổng số công suất các nhà máy chúng ta đã làm mấy chục năm qua. Vì vậy, ông Ngãi đồng tình phải hướng tới tăng giá điện để đảm bảo tương lai.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi cho rằng không nên tăng giá điện với đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp, thậm chí vẫn giữ trợ cấp cho họ. Đối tượng cần tập trung tăng giá là ximăng, sắt thép vì dùng nhiều điện, nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm. Đặc biệt, theo ông Ngãi, nếu thực hiện mức giá định hướng 1.835 đồng/kWh, cộng cả thuế sẽ thành khoảng 2.000 đồng/kWh, tức là giá điện ở VN đã tương đương giá điện các nước trong khu vực, khoảng 9cent/kWh. Vì vậy, cùng tăng giá, EVN phải tăng chất lượng điện, cả điện áp, tần số, độ an toàn và tính liên tục... cho tương xứng.

Bình luận về khung giá điện mới, PGS.TS Ngô Trí Long - người từng được mời thẩm định giá điện - cho rằng khung giá đã giúp công khai, minh bạch hơn, để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể ban hành lộ trình dự kiến, công khai các yếu tố giá thành, chi phí kinh doanh, chi phí nhân công... của EVN. Điều này cũng giúp tạo đồng thuận, tránh bức xúc như trường hợp Thanh tra Chính phủ công bố người dân mới biết giá một số hạng mục như sân tennis, bể bơi, biệt thự... được tính vào giá thành điện trong thời gian qua.

Cũng theo ông Long, từ nay đến năm 2015 kinh tế VN vẫn trong giai đoạn cố gắng để phục hồi. Sức mua của người dân vẫn yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, cần giảm giá đầu vào. Nên nếu phải tăng giá điện cần cân nhắc thật kỹ bởi có thể khiến giảm sức cạnh tranh, giảm khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Về thời điểm, bước tăng giá..., theo ông Long, cơ quan chức năng cũng cần tính toán đầy đủ các tác động xã hội, tránh ngành điện được lợi, hấp dẫn đầu tư hơn, còn các ngành khác gặp khó, tiêu thụ điện giảm. “Năm 2015 đã rất gần, tăng giá mạnh sẽ không phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt không nên tăng giá ngay” - ông Long nói.

Người tiêu dùng lĩnh đủ

Ông Bùi Thọ Lưu Hiển, giám đốc Xí nghiệp Casumina Đồng Nai, cho biết với lượng điện tiêu thụ sản xuất hiện nay, mỗi tháng xí nghiệp đang trả khoảng 1 tỉ đồng tiền điện. Nếu EVN tăng 5%, xí nghiệp phải bù đắp thêm 50 triệu đồng/tháng, 10% là 100 triệu đồng/tháng, 15% là 150 triệu đồng/tháng. “Dù chúng tôi đã phân bổ hết sức hợp lý thời gian sản xuất, tận dụng tối đa cách tính giá điện cho từng ca sản xuất, ở từng thời điểm thích hợp, nhưng chi phí trả cho tiền điện là gánh nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất”, ông Hiển nói.

Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của một công ty thép cho biết nếu tính trong khung mà EVN được phép tăng tối đa gần 22% như khung giá điện vừa ban hành, một nhà máy công suất luyện 500.000 tấn phôi thép/năm sẽ phải chi khoảng 150 tỉ đồng để bù đắp cho việc tăng giá điện. “150 tỉ đồng là một con số quá lớn đối với doanh nghiệp trong thời điểm quá khó khăn hiện nay. Nhưng cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải lãnh trọn các lần điều chỉnh tăng giá điện vì chúng tôi không thể không tăng giá”, vị này khẳng định. Chưa kể việc hồi phục của doanh nghiệp trong những năm tới sẽ rất thấp khi sức mua trì trệ kéo dài hơn hai năm qua đã làm cạn kiệt khả năng tái phát triển là điều không thể tránh khỏi.

 

 

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm