Tính đến 17h ngày thứ sáu (giờ Việt Nam), theo dữ liệu của Trading Economics, dầu Brent chuẩn toàn cầu đang được giao dịch quanh ngưỡng 75 USD/thùng, tăng mạnh từ mức thấp hồi đầu tuần này là 71,5 USD/thùng.
Riêng trong phiên thứ năm, giá dầu Brent đã tăng hơn 3%. Triển vọng kinh tế tươi sáng hơn của Mỹ và Trung Quốc - hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - là động lực quan trọng cho đà tăng trưởng của thị trường dầu.
Biến động của giá dầu trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trung Quốc liên tục giảm lãi suất
Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất đến hai lần chỉ trong vòng một tuần. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất MLF - đối với các khoản vay kỳ hạn một năm dành cho ngân hàng thương mại - 0,1 điểm phần trăm từ 2,75% xuống 2,65%.
PBoC cũng rót 237 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại thông qua công cụ này, nhằm "duy trì mức thanh khoản đủ và hợp lý trong hệ thống ngân hàng".
Trước đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm lãi suất mua lại kỳ hạn 7 ngày 10 điểm cơ bản, từ 2% xuống 1,9%, khi cơ quan này bơm 2 tỷ nhân dân tệ (279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn.
Bắc Kinh cũng đưa ra một số biện pháp khác để vực dậy nền kinh tế như hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản và thúc giục các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi.
Các dữ liệu kinh tế cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới đang chững lại. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng PPI sụt giảm vì nhu cầu nói chung suy yếu, đi kèm với giá cả hàng hóa trên toàn cầu đang hạ nhiệt.
Đây không phải tin tốt cho thị trường dầu khi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nhu cầu đối với nhiên liệu sẽ bị đè nặng nếu các hoạt động kinh tế như sản xuất, vận tải và di chuyển yếu đi.
Trước đó, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - sẽ chiếm tới 60% tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm nay. Sự phục hồi của đất nước 1,4 tỷ dân có thể đẩy thị trường dầu vào tình trạng cung không theo kịp cầu.
Trong báo cáo tháng 5 của IEA, cơ quan này cũng nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu lên 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Mỹ ngừng tăng lãi suất
Trong khi đó, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - thống nhất giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 5-5,25%. Đây là cuộc họp đầu tiên ngân hàng trung ương Mỹ không tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm ngoái, sau 10 lần nâng liên tiếp.
Việc Fed lỏng tay hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, vốn đang lao đao vì các đợt tăng lãi suất điều hành dồn dập của ngân hàng trung ương kể từ tháng 3 năm ngoái.
Nhu cầu dầu được dự báo sẽ tăng trong ngắn hạn, nhưng rồi chững lại về dài hạn. IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu gần như ngừng lại trong những năm tới và đạt đỉnh ngay ở thập kỷ này.
"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này nhờ xe điện, sử dụng nhiên liệu hiệu quả và các công nghệ phát triển khác", CNBC dẫn lời ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA - dự báo.
Nhu cầu của Trung Quốc được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm nay với mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến giảm về 290.000 thùng/ngày từ năm 2024 đến năm 2028.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.