Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 1/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent lao dốc 1,39 USD/thùng sau một ngày xuống 102,7 USD/thùng. Cuối tuần trước, giá đã giảm mạnh từ gần 111 USD/thùng xuống dưới 103 USD/thùng. Đến nay, loại hàng hóa này vẫn chưa thể trở lại đà tăng.
Trong khi đó, dầu thô WTI được giao dịch quanh mức 97 USD/thùng, giảm mạnh từ ngưỡng 102 USD/thùng hôm 29/7.
Theo giới quan sát, giá dầu thô thế giới lao dốc khi triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu. Điều này đã lấn át những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Giá dầu thô Brent lao dốc mạnh kể từ sau thông tin GDP của Mỹ ghi nhận quý thứ 2 sụt giảm liên tiếp. Ảnh: Trading Economics. |
Kinh tế Mỹ suy yếu
"Các số liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ và Trung Quốc đã tác động xấu tới giá dầu", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.
Mỹ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái thực sự khi ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách và lạm phát còn ở mức cao
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London
Thông tin khiến giá dầu thế giới rơi thẳng đứng. Trong vỏn vẹn 24 giờ, giá dầu Brent giảm từ hơn 110 USD/thùng xuống dưới ngưỡng 103 USD/thùng. Nền kinh tế suy yếu sẽ đè nặng lên nhu cầu dầu thô. Trong khi đó, giá cả vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát.
"Việc FED mạnh tay nâng lãi suất từ đầu năm đến nay dường như vẫn chưa hạ nhiệt giá cả. Mức lạm phát kỷ lục trong tháng 6 là minh chứng rõ ràng nhất", ông Erlam bình luận.
"Nếu số liệu lạm phát trong những tuần tới không hạ nhiệt, cơ quan hoạch định chính sách của FED sẽ buộc phải nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm một lần nữa", vị chuyên gia nói thêm.
Theo ông, việc ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay nâng lãi suất sẽ làm chao đảo các thị trường tài chính và hàng hóa, tác động xấu tới đầu tư và chi tiêu, thậm chí đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.
"Trên thực tế, kinh tế Mỹ đã rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật", chuyên gia Erlam nhận định, đề cập đến định nghĩa cho rằng nền kinh tế rơi vào suy thoái khi ghi nhận 2 quý sụt giảm liên tiếp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an người Mỹ rằng kinh tế Mỹ không suy thoái dù GDP sụt giảm. "Tuy nhiên, nước này vẫn khó tránh khỏi một cuộc suy thoái thực sự khi ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách và lạm phát còn ở mức cao", chuyên gia Erlam nhận định.
Nhu cầu tại thị trường 1,4 tỷ dân sụt giảm
Các số liệu kinh tế của Trung Quốc cũng giáng thêm đòn vào thị trường dầu thế giới.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.
Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng 7, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Lĩnh vực sản xuất đóng góp lớn vào nền kinh tế Trung Quốc. Các hoạt động sản xuất bị thu hẹp cũng tác động tới nhu cầu dầu tại Trung Quốc, đất nước được coi là công xưởng thế giới và là nước nhập khẩu dầu hàng đầu.
Đà phục hồi của những trung tâm sản xuất của Trung Quốc như Thượng Hải cũng chững lại. GDP quý II của Trung Quốc vừa ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong hơn 2 năm.
Trong khi đó, những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng thuyên giảm phần nào sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Mohamed Oun cho biết sản lượng của nước này đã trở về mức 1,2 triệu thùng/ngày. Trước đó, xung đột chính trị khiến hoạt động tại các cảng và mỏ dầu bị gián đoạn nghiêm trọng.