Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thế giới vọt tăng

Giá dầu thế giới tăng vọt sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 1/3, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã tăng vọt từ dưới 82,25 USD/thùng lên xuyên thủng ngưỡng 84 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng một tuần.

Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của thị trường dầu sau báo cáo mới nhất về hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc. Giới đầu tư tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng vọt sau khi đất nước 1,4 tỷ dân mở cửa trở lại.

Điều này lấn át rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay hơn dự kiến và đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.

gia dau tho anh 1

Giá dầu tăng vọt trong 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Đà phục hồi mạnh mẽ

Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 52,6 điểm trong tháng 2, vượt mốc 50 điểm và bước vào vùng tăng trưởng.

Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, khi PMI đạt 53,5 điểm.

PMI tháng 2 của Trung Quốc cũng cao hơn mức 50,1 điểm trong tháng 1 và vượt dự báo 50,5 điểm của các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát.

Những cải thiện rõ ràng trên diện rộng đối với cả PMI sản xuất và phi sản xuất trong tháng 2 cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Nhóm chuyên gia của Citi

Trong khi đó, PMI lĩnh vực phi sản xuất cũng tăng từ 54,4 điểm vào tháng 1 lên 56,3 điểm trong tháng 2. Chỉ số này phục hồi mạnh nhờ các hoạt động dịch vụ và xây dựng đi lên.

Chính phủ Trung Quốc cho biết các dữ liệu của tháng 2 chỉ ra môi trường sản xuất và kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

"Những cải thiện rõ ràng trên diện rộng đối với cả PMI sản xuất và phi sản xuất trong tháng 2 cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại", CNBC dẫn lời các nhà kinh tế của Citi nhận định.

Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - là động lực lớn đứng sau đà tăng trưởng của giá dầu.

Trước đó, thị trường dầu chịu sức ép lớn từ các dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể còn kéo dài. Lãi suất điều hành của Mỹ tăng cao sẽ đè nặng lên các tài sản như chứng khoán và dầu.

Thị trường dầu thắt chặt

Theo Reuters, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa nhu cầu tăng trưởng dầu trong năm nay, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Cùng với việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) hạn chế sản xuất, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay.

"Nguồn cung từ OPEC+ dự kiến thu hẹp cùng với việc Nga chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt", IEA dự báo.

"Nguồn cung dầu thế giới có vẻ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm 2023, nhưng cán cân có thể nhanh chóng đảo chiều khi nhu cầu phục hồi và việc thiếu hụt năng lượng từ Nga", cơ quan này nói thêm.

IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc tăng 900.000 thùng/ngày. Con số này tăng 100.000 thùng/ngày so với dự báo được IEA đưa ra vào tháng 1.

Như vậy, trong năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo cán mốc 101,9 triệu thùng/ngày.

Theo IEA, khi du lịch hàng không tăng mạnh nhờ đại dịch giảm bớt, nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay bật tăng sẽ dẫn dắt đà phục hồi trên toàn cầu.

Cơ quan này cũng cảnh báo nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi sẽ tạo ra một thị trường dầu thắt chặt. Bởi đó là lúc các biện pháp trừng phạt từ phía phương Tây áp lên lĩnh vực năng lượng của Nga phát huy tác dụng.

Trước đó, OPEC và đồng minh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Hoạt động sản xuất hụt hơi vì đơn hàng quốc tế giảm

Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, một phần do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao dẫn tới số lượng đơn hàng lao dốc.

'Đảo tỷ phú' được giới nhà giàu săn đón

Với những bãi cát trải dài, đầm phá ven biển trong xanh và việc không áp thuế thừa kế, đảo Mauritius từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của giới nhà giàu. 

Thảo My

Bạn có thể quan tâm