Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 7/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tiến sát ngưỡng 87 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 3 tuần và ghi nhận chuỗi tăng kéo dài 6 phiên.
"Thị trường dầu đang tăng trưởng rất tốt. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư không nản lòng trước mục tiêu tăng trưởng thấp hơn dự đoán của Trung Quốc", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Anh - nhận định với Zing.
"Ngưỡng quan trọng tiếp theo của giá dầu Brent sẽ là 88 USD/thùng. Thị trường dầu đã mắc kẹt ở dưới mốc này kể từ đầu tháng 12 năm ngoái", vị chuyên gia nhận định.
Giá dầu vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Ảnh: Trading Economics. |
Loạt sự kiện trong tuần này
Theo ông, việc giá dầu Brent vượt ngưỡng 89 USD/thùng, còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ xuyên thủng mốc 83 USD/thùng sẽ là một tín hiệu rất lạc quan của thị trường dầu.
"Tất cả sẽ phụ thuộc vào bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và báo cáo việc làm của Mỹ trong tuần này", ông Erlam nhận xét.
Tất cả sẽ phụ thuộc vào bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell và báo cáo việc làm của Mỹ trong tuần này
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Báo cáo chính sách tiền tệ của ông Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 8/3 sẽ hé lộ quan điểm của người đứng đầu ngân hàng trung ương về nền kinh tế và lạm phát.
Đến nay, giới đầu tư kỳ vọng rằng chủ tịch Fed sẽ tìm cách thiết kế một cú "tiếp đất nhẹ nhàng" cho nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu.
Bởi lãi suất điều hành tăng cao và nguy cơ về một cuộc suy thoái sẽ đè nặng lên các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại rằng Fed có thể kéo nền kinh tế đi xuống để kìm hãm lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành 8 lần trong vòng một năm qua.
Ông Krishna Guha tại Evercore ISI dự đoán rằng trong buổi báo cáo, chủ tịch Fed sẽ "có một giọng điệu vừa quyết đoán vừa cẩn trọng".
Vị chuyên gia tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới như những gì mà nhà đầu tư lo ngại.
Đà phục hồi tại Trung Quốc
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc. Đất nước 1,4 tỷ dân - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt.
Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu tích cực về nhu cầu dầu. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 52,6 điểm trong tháng 2, vượt mốc 50 điểm và bước vào vùng tăng trưởng.
Trong khi đó, PMI lĩnh vực phi sản xuất cũng tăng từ 54,4 điểm vào tháng 1 lên 56,3 điểm trong tháng 2. Chỉ số này phục hồi mạnh nhờ các hoạt động dịch vụ và xây dựng đi lên.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa nhu cầu tăng trưởng dầu trong năm nay, sau khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Cùng với việc OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) hạn chế sản xuất, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào nửa cuối năm nay.
"Nguồn cung từ OPEC+ dự kiến thu hẹp cùng với việc Nga chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt", IEA dự báo.
Hơn nữa, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu một cách mạnh tay của Nga - nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây - cũng đẩy giá dầu lên cao.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang chịu sức ép từ thông tin về những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Saudi Arabia và UAE. Trong OPEC do Saudi Arabia đứng đầu, UAE buộc phải giảm sản lượng đi nhiều so với khả năng thực tế. Điều này làm tổn hại tới doanh thu dầu mỏ của nước này.
Theo các quan chức UAE, nước này đang thảo luận nội bộ về việc rời khỏi liên minh. Động thái đó đồng nghĩa với việc UAE có thể tự do tăng sản lượng dầu, từ đó tạo sức ép lên giá.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...