Giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia phủ nhận đàm phán với Opec+. Ảnh: The Economic. |
Giá dầu Brent đã tăng 0,29% ở mức 87,70 USD/thùng. Chỉ số West Texas Middle, chỉ số dầu thô của Mỹ, cũng tăng 0,12% lên 80,14 USD/thùng. Chỉ một ngày trước, giá dầu đã giảm khoảng 5 USD sau khi Wall Street Journal đưa tin Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đang xem xét nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp OPEC+ vào ngày 4/12.
Naeem Aslam, Trưởng phòng phân tích thị trường tại Avatrade, cho biết: “Có quá nhiều thông tin sai lệch, khiến các nhà giao dịch bối rối. Thông báo của Wall Street Journal là hoàn toàn không có cơ sở”.
Hợp đồng dầu tương lai cũng đã tăng trở lại khoảng 88 USD/thùng sau khi Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia là Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện tại sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023.
“Ai cũng biết OPEC+ sẽ không thảo luận bất kỳ quyết định nào trước các cuộc họp của mình. Và nếu cần phải thực hiện các biện pháp giảm sản lượng để cân bằng cung cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng can thiệp” Hoàng tử Abdulaziz cho hay.
Ipek Ozkardeskaya, Phân tích viên cao cấp của Swissquote, nhận định: “Những nhà đầu cơ có thể nhìn thấy 2 yếu tố tích cực từ việc này. Đầu tiên, Mỹ sẽ ngừng bán kho dự trữ xăng dầu chiến lược của mình. Thứ hai, lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12. Cả 2 sẽ làm giá dầu tăng cao hơn nữa”.
Bất chấp việc cắt giảm lớn của OPEC+ vào tháng trước, giá dầu đã giảm trong những tuần gần đây do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách hạn chế Covid-19 của Trung Quốc. Điều này khiến nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, không thể quay trở lại mức trước đại dịch.
Edward Moya, Phân tích viên cao cấp tại Oanda, cho biết: “Giá dầu sẽ không thể tìm được mức sàn sớm, khi nhu cầu dầu thô đang xấu đi đối với cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cho đến khi có một số tin tức tích cực từ Trung Quốc hoặc Mỹ, đồng USD sẽ tiếp tục tăng”.
Trong khi đó, thị trường đã thấy được tác động của lệnh cấm vận từ EU đưa ra đối với giá xuất khẩu dầu thô của Nga.
Nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) dự kiến sẽ áp đặt giá trần đối với giá xuất khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12. Chi tiết về mức giá trần sẽ được công bố vào cuối tuần này. “Châu Âu muốn nhanh chóng xóa bỏ sự phụ thuộc vào dầu thô của Nga và điều đó sẽ xảy ra khi họ áp trần giá dầu”, Edward Moya cho hay.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...