Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu biến động mạnh

Những biến động xung quanh giao tranh Nga - Ukraine, lập trường của OPEC+ và thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran khiến giá dầu đảo chiều liên tục.

Giá dầu bất ngờ lao dốc mạnh sau một số thông tin tích cực, rồi nhanh chóng tăng trở lại trong vòng 24 giờ qua. "Sự biến động của giá dầu đã đạt đến mức 'điên rồ' chỉ sau một đêm", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore) bình luận với Zing.

Theo vị chuyên gia, giá dầu giảm do những hy vọng về thỏa hiệp giữa Nga và Ukraine. Cùng với đó là bình luận của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - về việc tăng sản lượng dầu.

Xung dot Nga - Ukraine anh 1

Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Nga đã đẩy giá dầu tăng kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Biến động mạnh

Hôm 10/3, đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba đã ủng hộ tăng sản lượng dầu. "Chúng tôi muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích OPEC tăng nguồn cung", ông Otaiba nói với CNN. Iraq mới đây cũng cho biết có thể tăng sản lượng nếu OPEC+ (OPEC và các đồng minh) yêu cầu.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng xung đột ở nước này chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp, đồng thời hy vọng các bên liên quan cũng có quan điểm tương tự.

Ngoại trưởng hai nước sẽ có cuộc gặp tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 10/3 với sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Theo dữ liệu của Trading Economics, trong ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 107,5 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 110 USD/thùng.

Xung dot Nga - Ukraine anh 2

Biến động của giá dầu WTI trong vòng 7 ngày qua. Hôm 10/3, giá bất ngờ lao dốc mạnh. Ảnh: Trading Economics.

"Nhưng giá dầu đã nhanh chóng bật tăng sau khi lao dốc. Nguyên nhân là các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ sẽ thất bại. Cùng với đó, Reuters đưa tin những nhà máy lọc dầu quốc doanh của Trung Quốc đang được kêu gọi ngừng xuất khẩu nhiên liệu trong tháng 4", ông Halley giải thích.

Reuters đưa tin Mỹ không có ý muốn đạt thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Austria). Theo ông Ali Shamkhani - quan chức an ninh cấp cao của Iran, Mỹ đang đưa ra những đề xuất "không thể chấp nhận được".

Trước khi bị Mỹ cấm vận, Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Washington cũng bắt đầu các cuộc thảo luận với Venezuela - một quốc gia khác bị Mỹ áp lệnh cấm dầu mỏ. Nhưng trên thực tế, ngay cả trước lệnh cấm, sản lượng dầu của quốc gia Nam Mỹ này đã không lớn.

Cần biện pháp kịp thời

Thêm vào đó, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei đã gửi đi tín hiệu trái ngược với đại sứ của nước này tại Washington. Cụ thể, ông khẳng định đất nước cam kết với thỏa thuận hiện có của OPEC+, bao gồm Nga. Đó là tăng nguồn cung dầu 400.000 thùng/ngày hàng tháng sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020.

OPEC+ đã từ chối lời kêu gọi tăng cung từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu khác. Tổ chức này cho rằng giá dầu tăng cao vì yếu tố địa chính trị nhiều hơn là thiếu hụt nguồn cung. Nhưng mới đây, Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho rằng nguồn cung dầu đang ngày càng tụt lại so với nhu cầu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Nga cũng là một trong các thành viên của OPEC+.

"Tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cũng góp phần khiến giá dầu tăng trở lại", ông Halley nói thêm.

Tính đến 15h ngày 15/3, giá dầu WTI tăng 2,54% lên 111 USD/thùng, còn dầu Brent được giao dịch ở mức giá 115 USD/thùng, tăng 3,64%.

Một phần lớn trong số 7,5 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Điều này khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng

Chuyên gia tài chính Jeffrey Halley (có trụ sở ở Singapore)

"Một phần lớn trong số 7,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Điều này khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng", vị chuyên gia bình luận với Zing.

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Giới quan sát cảnh báo rằng lệnh cấm dầu khí và khí đốt của Nga là đòn giáng mạnh lên thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.

"Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, giá dầu sẽ vẫn ở mức cao dù có hay không giải pháp cho xung đột giữa Nga và Ukraine", ông cảnh báo.

"Thị trường dầu đang biến động mạnh, vì thế, việc xác định các mức giá kỹ thuật dường như là vô nghĩa. Ngưỡng hỗ trợ có thể là 106 USD/thùng (đối với giá dầu Brent) và 104 USD/thùng (dầu WTI)", chuyên gia Halley dự báo.

Theo ông, nếu cuộc họp chiều nay giữa Nga và Ukraine có bất cứ bước tiến nào, giá dầu có thể rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng. "Nhưng rủi ro nghiêng về phía đáng thất vọng nhiều hơn, dù là thỏa thuận Nga - Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran hay việc tăng sản lượng của OPEC+", ông Halley nhận định.

"Trong trường hợp đó, giá dầu Brent có thể quay trở về mức hơn 120 USD/thùng trong nháy mắt", ông cảnh báo.

Kinh tế thế giới sẽ ra sao nếu giá dầu vượt 160 USD/thùng?

Nếu giá dầu tiếp tục đà tăng phi mã do căng thẳng Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Một số nền kinh tế thậm chí rơi vào suy thoái.

Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá cả thế giới leo thang

Giá hàng hóa trên thế giới leo thang mạnh, tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao, đè nặng lên sức mạnh chi tiêu và triển vọng tăng trưởng.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm