Những năm qua, TP Hải Phòng tập trung nguồn lực triển khai các dự án lớn như Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Khu đô thị Minh Đức, Núi Đèo và phần mở rộng, đô thị 2 xã Lưu Kiếm và Quảng Thanh, đồng thời cải tạo, nâng cấp đường 359 (thuộc huyện Thủy Nguyên) khiến thị trường bất động sản của huyện ngoại thành này khởi sắc rõ rệt.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020 khiến dòng vốn đầu tư vào bất động sản tại Thủy Nguyên có phần chững lại.
Đường 359 tại huyện Thủy Nguyên được nâng cấp, cải tạo rộng rãi nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Đến giữa tháng 10 vừa qua, thị trường bất động sản tại đây sôi động trở lại, tạo ra cơn sốt sau khi có thông tin chuyển đổi huyện này lên thành phố trực thuộc thành phố được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng trình tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Giá đất tăng vọt
Về Thủy Nguyên những ngày này dễ dàng nhìn thấy bảng biểu, tờ rơi của các công ty bất động sản rao, dán khắp nơi. Thậm chí, trên các bức tường, cây cối ven đường còn xuất hiện các nét vẽ, tấm bảng ghi điện thoại của người môi giới, mua bán hoặc hỗ trợ thủ tục tham gia đấu giá đất.
Theo ghi nhận, Thủy Nguyên trở thành nơi săn đón của các nhà đầu tư ở Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang và Bắc Ninh, trong đó phần lớn đến từ Hà Nội.
Cầu Hoàng Văn Thụ (nối quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên) hoàn thành năm 2019. Ảnh: Q.N. |
Theo ghi nhận, những khu vực ở tuyến 1 (mặt đường 359) của thị trấn Núi Đèo, giá đất đã lên đến 100 triệu/m2; tuyến 2 (đường nhánh từ 359 rẽ vào) có giá 35-60 triệu/m2. Giá đất này tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm 2020.
Đáng chú ý, đất đấu giá tại các xã Thủy Đường, Hoa Động, Thủy Sơn cũng tăng theo. Cụ thể, khu Cửa Trại, xã Thủy Đường và khu Đầm Huyện, xã Thủy Sơn, trong đợt đấu giá vào cuối tháng 10, giá từ 20 triệu đến 22 triệu/m2. Tuy nhiên, hiện các lô đất đó đã tăng lên mức 30-40 triệu/m2.
Tương tự, các khu đất tái định cư ở khu đô thị Bắc sông Cấm (gần cầu Hoàng Văn Thụ) cũng tăng nhanh chóng. Điển hình như khu tái định cư D hiện có giá 55-70 triệu m2. Trong khi thời điểm nhận đất, người dân bán luôn thì có giá 38-50 triệu/m2.
"Không phải thị trường ảo"
Bà N., một chuyên gia bất động sản ở Hải Phòng, cho biết thị trường đất ở huyện Thủy Nguyên không phải bị thổi lên giá ảo. Bởi theo bà, khi nhà đầu tư nhiều, lượng mua bán càng nhiều thì giá càng tăng.
“Hôm nay khách mua một lô giá 20 triệu/m2. Một tuần sau có 3-4 lượt mua bán thì sẽ lên 30 triệu/m2. Đó là điều đương nhiên”, bà phân tích.
Ông Trần Huy Biên, giám đốc Công ty Bất động sản An Phú (đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ kinh doanh bất động sản ở Thủy Nguyên), đồng tình với quan điểm trên và dẫn chứng thêm rằng so với thị trường đất đai ở các tỉnh, thành khác thì dòng tiền đầu tư vào Thủy Nguyên vẫn ở mức bình thường.
Khu đất tái định cư đẹp, có giá cao tại Khu đô thị Bắc sông Cấm đang được triển khai xây dựng nhà cao tầng rầm rộ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Nhận định trong những năm tới, ông Biên cho biết tâm điểm thị trường bất động sản tại Thủy Nguyên sẽ dồn về các vị trí mà TP Hải Phòng đã có chủ trương xây cầu Nguyễn Trãi (kết nối trung tâm hành chính cũ của quận Hồng Bàng và trung tâm hành chính mới được xây dựng tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên) và cầu Bến Rừng (kết nối Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Bởi theo ông, các dự án này giúp tăng độ thông thương.
“Một phân khúc nữa là đất thương mại tại thị trấn Núi Đèo vì tương lai nơi đây sẽ có khu thương mại”, ông Biên chia sẻ thêm.
Nhận định về tình hình này, một lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên cho biết thị trường bất động sản tại địa phương bắt đầu sôi động khi Khu đô thị Bắc sông Cấm được triển khai xây dựng. Đến khi có chủ trương đưa huyện này lên thành phố, giá đất tại nhiều xã cũng đồng loạt tăng.
“Điều đó cho thấy Thủy Nguyên đang phát triển mạnh mẽ”, vị này nói.
Ngày 29/11, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP.
Theo tờ trình, thực hiện nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố, là trung tâm hành chính, chính trị; trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025 đô thị Hải Phòng phát triển về phía bắc (huyện Thủy Nguyên) để hình thành đô thị mới Bắc sông Cấm, đô thị mới Bến Rừng, 2 đô thị vệ tinh là thị trấn Minh Đức và thị trấn Núi Đèo, 2 xã được nâng cấp đô thị loại 5 là Lưu Kiếm và Quảng Thanh...
Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện.