Vào hôm 16/2, hãng tin Financial Times của Anh đưa tin một số quan chức trong chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng quốc gia này đang xem xét dự luật cấm xuất khẩu đất hiếm, mặt hàng vốn cần thiết cho sản xuất vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ, vì vấn đề an ninh quốc gia.
Theo tác giả Tim Treadgold, trên trang Forbes, hành động này của chính phủ Trung Quốc đang tạo ra những bất ổn có thể đoán trước được với thị trường đất hiếm toàn cầu, như tình trạng dư thừa nguồn cung và giảm giá.
Giá đất hiếm rẻ như giá đất cát
Dấu hiệu đầu tiên được ghi nhận ở Australia, thị trường cung cấp nguyên tố hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Các mỏ khai thác tại đây đang dần tập trung quá mức vào một số nguyên tố như praseodymium và neodymium, hai nguyên tố dùng để chế tạo nam châm vĩnh cửu trong các máy bay chiến đấu tân tiến và ôtô điện.
Cùng với việc các nhà đầu tư đổ tiền vào xây dựng mỏ và nhà xưởng sản xuất đất hiếm, nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc, tạo ra sự dư thừa và ảnh hưởng đến giá trị của các nguyên tố còn lại.
Ngoài ra, tin đồn cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng làm thị trường nhiễu loạn tại chính quốc gia này.
Praseodymium và neodymium là hai nguyên tố đất hiếm sử dụng để chế tạo máy bay F-35. Ảnh: Wikipedia. |
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, Xaio Yaqing, đã lên tiếng trong một cuộc họp báo cho rằng một số nguyên tố đất hiếm nhu cầu thấp đang được bán quá rẻ vì “sự cạnh tranh khốc liệt trong nước”. Thậm chí một số loại không được bán với “giá hiếm” mà chỉ là “giá đất” bình thường, Xiao nói với hãng tin Reuters.
Nguyên nhân của việc “rớt giá” nói trên là vì đất hiếm là hỗn hợp của 17 nguyên tố hoá học không thể phân tách. Tuy nhiên, nhu cầu thị thị trường chỉ cao với một số nguyên tố như praseodymium và neodymium, trong khi thấp hoặc không cần với các nguyên tố còn lại.
Khả năng thua lỗ từ đầu tư ồ ạt vào đất hiếm
Ngoài ra, Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của Lynas Corporation, một tập đoàn sản xuất đất hiếm lớn nhất của Australia, còn cảnh báo về nguy cơ xây dựng quá mức các khu mỏ và cơ sở sản xuất, đối phó với lo ngại về lệnh cấm vận xuất khẩu của Trung Quốc.
Lacaze cho rằng việc phân bổ vốn không hiệu quả sẽ dẫn đến thua lỗ tất yếu cho các nhà đầu tư.
Cảnh báo của Lacaze đưa ra trong bối cảnh Australia đang ngày càng có nhiều các nhà sản xuất đất hiếm mới nổi, chẳng hạn như Hastings Technology Metals, một đơn vị vừa kêu gọi được 78 triệu USD đầu tư cho dự án Yangibana ở miền Tây Australia.
Hoặc như Iluka Resources, công ty chuyên khai thác iluminium, cũng đang đàm phán với chính phủ các nước cho dự án khai thác đất hiếm từ một nhà máy lọc dầu.
Một dự án khai thác đất hiếm thuộc tập đoàn Lynas. Ảnh: Lynas Corporation. |
Ngoài Australia, Mỹ và Canada cũng có động thái tương tự nhằm thúc đẩy nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc. Điển hình là dự án nghiên cứu của chính phủ Mỹ về tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, trong đó đã khuyến khích các nhà đầu tư hành động, nhằm xoá bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Theo tác giả bài viết, tình trạng phát triển ồ ạt nguồn cung đất hiếm hiện tại, diễn ra tương tự sự kiện tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản cách đây 12 năm.
Khi đó, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, buộc Nhật Bản phải tài trợ cho dự án mỏ Mt Weld , một mỏ khai thác thuộc sở hữu của tập đoàn Lynas.
Khoản kinh phí lớn năm đó vượt ngoài kế hoạch của Nhật Bản và cũng là điều mà Lacaze lo lắng cho các nhà đầu tư hiện tại, với những khó khăn chồng chất về vốn và công nghệ kỹ thuật khi khai thác và sản xuất đất hiếm.
Nhu cầu đất hiếm lớn từ quân đội và các nhà sản xuất ôtô điện đã giúp cổ phiếu của Lynas tăng cao trong vài tháng qua, cụ thể tăng 58%, từ 1,9 USD lên 5,11 USD kể từ đầu tháng 1/2021.