Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia cảnh xót xa của cậu bé hát đám cưới ở Vietnam Idol Kids

Là một trong những hộ nghèo nhất ở khu vực sinh sống, hàng ngày gia đình em phải đối mặt với áp lực từ cái ăn, cái mặc. Do đó, nguyện vọng cho con đi học hát cũng quá xa vời.

Trong đêm mở màn chương trình Vietnam Idol Kids phát sóng tối 24/4, phần thi của thí sinh Hồ Văn Cường đã chạm đến trái tim của nhiều khán giả.

Thể hiện 2 ca khúc mang âm hưởng dân ca Lý đất giồngBà năm cùng một câu vọng cổ, cậu bé 13 tuổi khiến giám khảo Văn Mai Hương cùng hàng triệu người xem phải bật khóc.

Xuất thân trong một gia đình làm lao động chân tay tại Gò Công (Tiền Giang), lẽ dĩ nhiên em không được sinh hoạt tại các trung tâm hoặc học tại các “lò luyện” âm nhạc. Thay vào đó, nơi em cất cao tiếng hát lại là những đám cưới gần nhà.

Bước vào sân chơi lớn, chính sự rụt rè kèm theo giọng hát nhiều cảm xúc của Văn Cường là lý do giúp phần thi của em nhận được nhiều sự đồng cảm.

Cậu bé hát đám cưới gây nghẹn ngào ở Vietnam Idol Kids

Cậu bé 13 tuổi Hồ Văn Cường khiến cả ban giám khảo và người xem bật khóc vì giọng hát dân ca ngọt ngào và hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

Không hề dễ dàng để tìm đến Cường và gia đình của em. Theo đại diện của đơn vị tổ chức, chiếc điện thoại di động duy nhất mà mẹ Cường sử dụng thường xuyên bị hỏng, nhà không có điện thoại bàn, hàng xóm ở cách xa nhau nên mỗi lần muốn liên lạc đều khá hóc búa.

Cuối cùng, phóng viên gọi được cho chị Oanh – người gợi ý và giúp em đến với Vietnam Idol Kids. Qua lời kể của chị, hoàn cảnh và đam mê âm nhạc của Hồ Văn Cường hiện lên càng rõ ràng và thương cảm hơn bao hết.

Lý Đất Giồng & Bà Năm - Hồ Văn Cường Cậu bé hát đám cưới bất ngờ òa khóc khi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình.

Bữa cơm đậu bắp, rau luộc

Nói về Văn Cường, cậu bé được mô tả có ngoại hình luôn dễ nhận biết giữa đám đông nhờ vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, chỉ đứng đến vai các bạn bè đồng trang lứa. Điều này dễ lý giải bởi gia đình em thuộc diện hộ khó khăn nhất của Ấp Phú Trung, Gò Công Tây, Tiền Giang, do đó, bữa cơm cũng ít khi nào được đầy đủ. Nhà có được mảnh đất nhỏ dùng làm nơi để trồng đậu bắp, rau cải, đậu ve. Đây thường xuyên cũng là những “món chính” ăn kèm theo nước tương của cả gia đình.

Chị Oanh kể, gia đình Cường vốn không có tài sản hay đất đai để tự sản xuất như những hộ khác. Do đó, công việc chủ yếu của cha mẹ em là đi làm mướn, hay nói cách khác là "Ai kêu gì thì làm nấy".

Cha Cường còn mạnh khoẻ nên khi thì đi phụ hồ hoặc vét mương cho hàng xóm, mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng. Trong khi đó, mẹ em sức khỏe yếu nên chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng như rửa củ cải, thù lao mỗi tiếng được 8.000 đồng hoặc có ai thương thì cho thêm 2.000 đồng.

Thời gian gần đây thời tiết trở nên khắc nghiệt khiến công việc bị giảm sút, mẹ em chỉ ở nhà để làm nội trợ. Thu nhập do đó cũng bị giảm sút khá nhiều. Tiền ít, bữa ăn càng thêm nhạt vị!

Bữa cơm độn rau và nước chấm của gia đình. Ảnh: Cắt từ clip

Cái nghèo không chỉ ám ảnh trong bữa cơm, mà ngay cả chỗ ở của gia đình cũng tồi tàn và sập xệ theo đúng nghĩa “xuống cấp trầm trọng”.

Người hàng xóm thân thiết cho biết ngôi nhà nhỏ - nơi trú thân của 5 người (Cường sống cùng cha mẹ, chị gái và anh rể) từ lâu đã không còn nguyên vẹn. Xây dựng trên mảnh đất nhỏ, qua hàng chục năm đã không còn đứng vững. Cha Cường đi đến đâu nhặt nhạnh được vài cành cây lớn để chống đỡ. Nhà Chùa hay hàng xóm thỉnh thoảng cho vài miếng gạch, ít xi măng để gia cố. Do đó, căn nhà cũng trở nên loang lổ và đầy mảnh chắp vá.

Ở khu vực vùng sâu vùng xa, nên mãi đến tận năm ngoái, gia đình em mới được cho một chiếc tivi cũ. Dù vậy, món đồ này vẫn chưa thể sử dụng ngay mà cha em phải mất thêm một khoảng thời gian dành dụm ít tiền mua ăng ten.

Không truyền hình, không radio, từ bé, Cường nghe nhạc bằng cách “ké” hàng xóm. Em nghe dần rồi tự thuộc, chép vào một cuốn sổ được em xem như báu vật để tự tập hát.

Gia đình không có ai có sở thích ca hát, do đó, khả năng của em được xem như “trời phú”. Có những bài khó, em nghe đi nghe lại vài lần rồi có thể hát lại y như đúc.

Hoàn cảnh khó khăn trăm bề, nhưng gia đình chưa một lần để con trai phải nghỉ học. Tiền dành dụm không đủ, cha mẹ em mượn nợ để đóng học phí. Hiểu cha mẹ vất vả nên Cường rất chịu học. Không được học sinh xuất sắc, nhưng em luôn nằm trong top đầu của lớp.

Mảnh đất nhỏ nơi trồng rau cải là tài sản quý nhất của gia đình. 

Ảnh:  Cắt từ clip

Mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình

Gia đình thuộc diện nghèo nhất xóm khiến Hồ Văn Cường luôn mặc cảm và tự ti. Từ đó tạo nên tính cách rụt rè và khép kín của cậu nhóc lớp 7 này. Cũng bởi vì điều này mà những ngày đầu đi hát đám cưới chính là lúc Cường phải đấu tranh tâm lý dữ dội.

Chị Oanh tâm sự, thấy gia cảnh Cường khó khăn, sẵn có giọng hát hay, chị gợi ý em đi hát tại các đám cưới, đám giỗ quen trong xóm để kiếm thêm tiền giúp đỡ ba mẹ.

Ban đầu, em một mực không chịu vì sợ đám đông, sợ cảm giác mọi người đổ dồn ánh mắt về mình. Mãi sau khi thuyết phục đi hát để có tiền cho cha mẹ, em mới gật đầu đồng ý. “Nó thương ba mẹ dữ lắm, nên hễ biết mình làm được gì giúp là chịu làm ngay”, chị nói.

Kể từ lần đầu đến nay khoảng 1 năm, em hát được chưa đến 10 lần. Mỗi lần đó, Cường được khán giả cho có khi vài chục, khi vài trăm nghìn đồng. Tuyệt nhiên, cậu bé chưa bao giờ xin thêm. Nhiều người vì yêu mến, mời em ở lại ăn uống nhưng Cường đều từ chối. Hát xong, em lập tức quay về nhà rồi đưa hết tiền cho mẹ.

Văn Cường đi hát đám cưới để phụ giúp bố mẹ. 

Ảnh: 

Cắt từ clip

Trình diễn trước ban giám khảo Vietnam Idol Kids, cậu bé bật khóc khi được gợi nhắc đến chuyện phải đi hát đám cưới. Tương tự trong cuộc sống, em cũng dễ mủi lòng như thế. Mỗi lần nhắc đến ba mẹ, Cường như bị nói trúng tim "đen" nên đều khóc.

Trong xóm, Cường được nhiều người biết đến có giọng hát hay. Thỉnh thoảng được yêu cầu, em lại nghêu ngao hát tặng mấy câu vọng cổ mà mình nghe lỏm được. Nhưng do không có điều kiện nên em và gia đình chưa từng nghĩ đến việc tham gia các cuộc thi ca hát.

Mãi đến năm 2015 khi nhà có TV, em mới được theo dõi cuộc thi Solo cùng bolero. Thấy Thiên Ngân trạc tuổi mình được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi và đỡ đầu, cậu bé cũng mong ước mình được mạnh thường quân giúp đỡ. Lúc này, được mọi người động viên, em mới đăng ký thi Vietnam Idol Kids.

Đồng ý đưa con trai út lên TP HCM, mẹ em phải vay mượn 500.000 đồng, sau khi mua vé xe còn lại 50.000 đồng chỉ đủ tiền dằn túi. Được một người bà con tại TP HCM giúp đưa đón, chỉ dẫn, chuyến đi của hai mẹ con cũng nhẹ nhàng hơn được phần nào.

Tuy nhiên, vì không có nhiều lộ phí nên mỗi chuyến đi cũng diễn ra nhanh chóng trong ngày chứ không ở lại để nghỉ ngơi. Ra về, em và mẹ được giám khảo Văn Mai Hương gửi 1 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng khiến chuyến đi về nhà xen lẫn niềm vui của tấm vé vàng cùng tâm lý nhẹ nhõm vì trả được món nợ. 

Tiếng hát của Văn Cường khiến giám khảo và hàng triệu khán giả bật khóc. Ảnh: Tiến Đạt

Ước mơ được học hết cấp 3

Chủ nhật tuần qua, cả nhà Cường và bà con tụ lại nhà hàng xóm có TV mở được kênh VTV3 để theo dõi phần thi của em. Đến đoạn mình khóc, em mắc cỡ giấu mặt đi chỗ khác.

Từ hôm đó, thông tin về cậu bé Hồ Văn Cường ở ấp Phú Trung đi thi Vietnam Idol Kids lan nhanh. Được nhiều người biết đến, gia đình em vui mừng trong lòng khôn xiết. Khi đi mua cháo, em còn được đề nghị không phải trả tiền mà chỉ cần hát tặng một đoạn nhỏ.

Sau vòng Audition, mới đây, Cường và mẹ lại cùng nhau đi xe đò lên TP HCM để tham gia vòng Piano. Nói về tương lai của cậu bé thời điểm này có vẻ còn quá mịt mờ. Điều này tương tự với cảm xúc của mẹ em khi phải thốt lên 2 câu “bất lực”.

Tuy nhiên, Cường chia sẻ dù có ước mơ làm ca sĩ, nhưng em vẫn rất mê học và muốn hoàn thành cấp 3. Về điều này, dù có khó khăn cách mấy chắc chắn cha mẹ em sẽ làm được.

Phương Giang

Bạn có thể quan tâm