Nhiều người giờ đây phải đắn đo khi quyết định gọi rượu soju. Ảnh minh họa: Lifestyle Asia. |
Soju, món đồ uống được mệnh danh là “rượu của tầng lớp lao động” tại Hàn Quốc, đang mất dần vị thế trên thị trường vì giá tăng cao, theo Korea JoongAng Daily. Thậm chí việc rượu lên giá còn diễn ra mạnh mẽ hơn tại các nhà hàng, nơi soju được tiêu thụ nhiều nhất.
Hwang Jae Hyun, 41 tuổi, một công nhân, kinh ngạc khi giá một chai soju đã tăng từ 4.000 won lên 6.000 won (khoảng 5 USD) tại một nhà hàng samgyeopsal (thịt lợn), gần ga Gyodae, quận Seocho, phía nam Seoul.
"Khi tôi hỏi tại sao giá cao như vậy, chủ nhà hàng nói đó là do lạm phát. Giờ đây, tôi phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gọi soju trong bữa ăn", anh nói.
Giá tiêu dùng đối với sản phẩm đồ uống có cồn bao gồm soju, bia và makgeolli (rượu gạo truyền thống của Hàn Quốc) đang đồng loạt tăng do các nhà sản xuất buộc phải nâng giá khi xuất xưởng và các nhà bán lẻ tăng chi phí phân phối.
Theo Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc hôm 21/2, giá đồ uống có cồn bao gồm soju, bia, rượu gạo nói chung và rượu nhập khẩu đã tăng lên 5,7% trong năm 2023. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 24 năm qua, kể từ năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Sau năm 1998, lạm phát hàng năm đối với đồ uống có cồn chỉ dưới 2%, ngoại trừ mức 4% trong các năm 2003, 2009, 2013 và 2017. Tuy nhiên, đến 2022, mức lạm phát đối với sản phẩm này đã đạt gần 6%, trong đó bia tăng 5,5% và rượu soju tăng 7,6%.
Giá rượu tại Hàn Quốc đã tăng mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ảnh minh họa: Lifestyle Asia. |
Giá nguyên liệu thô và các thành phần khác đã góp phần làm tăng giá rượu soju.
Đối với bia, sự gia tăng của một loạt chi phí như sản xuất lúa mạch, năng lượng, phân phối, lao động và tỷ giá hối đoái đã khiến giá xuất xưởng của nó tăng cao. Thuế rượu cũng tăng 20,8 won vào tháng 4/2022.
Khi các nhà sản xuất tăng giá xuất xưởng, các nhà bán lẻ như Emart, Lotte Mart, Homeplus và các cửa hàng tiện lợi đã phải tăng giá mỗi chai lên khoảng 150 won.
Một chai Chamisul, một trong những nhãn hiệu soju phổ biến nhất, hiện được bán với giá khoảng 1.900 won (1,5 USD) trong các cửa hàng tiện lợi. Rượu trái cây là loại đồ uống có cồn duy nhất được giảm giá, nhưng mức giảm chỉ 1,1%.
Theo chuyên gia phân tích thị trường, các công ty rượu soju dù đối mặt với việc lợi nhuận giảm mạnh nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như các nhà sản xuất vỏ chai soju đã tăng giá mỗi chai từ 180 won lên 220 won, đồng thời thuế rượu sẽ tăng 30,5 won/lít lên 900 won/lít.
"Sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu và năng lượng là nguyên nhân khiến giá rượu tăng đáng kể, thuế rượu không quá tác động đến việc điều chỉnh giá", Cho Yong Jae, giám đốc thuế năng lượng và môi trường của Bộ Tài chính, cho biết.
Các nhà hàng tại Hàn Quốc phải tăng giá bán rượu vì giá nhập vào tăng cao. Ảnh minh họa: Asia Times. |
Các đồ uống có cồn đến tay người tiêu dùng sau khi trải qua quá trình phân phối từ các công ty rượu, công ty nhập khẩu, nhà bán sỉ, bán lẻ, cộng với thuế rượu và giá xuất xưởng biến động,... điều này dẫn đến việc các nhà hàng phải tăng hàng nghìn won để cân đối chi phí.
Một chai bia trước đây có giá 6.000 won, giờ lên giá khoảng 8.000 won. Những khách hàng muốn uống somaek, một sự kết hợp giữa rượu soju và bia, sẽ phải trả gần 15.000 won (12 USD).
Lee, chủ một nhà hàng xiên thịt cừu ở quận Songpa, phía nam Seoul, cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá rượu để đáp ứng với việc giá tiêu dùng và chi phí lao động tăng cao.
Năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Dịch vụ Thực phẩm Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát với 130 chủ nhà hàng, 55,4% tiết lộ rằng họ có kế hoạch tăng giá rượu soju hoặc đã tăng giá.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.