CNBC đưa tin theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11/5, giá tiêu dùng và sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 4 đều tăng mạnh hơn dự kiến.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,1% so với một năm trước đó. Nguyên nhân chính là giá năng lượng và rau sạch tăng vọt. Mức tăng vượt dự báo 1,8% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát.
Giá tiêu dùng tháng 4 ghi nhận tốc độ tăng cao nhất kể từ mức 2,3% của tháng 11 năm ngoái. Con số này cũng cao hơn lạm phát giá tiêu dùng trung bình 18 tháng (0,9%). Mục tiêu CPI của chính phủ trong năm 2022 là khoảng 3%.
Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 4 đều tăng mạnh hơn dự kiến. Ảnh: Reuters. |
Giá năng lượng và rau sạch tăng vọt
"Động lực chính khiến giá thực phẩm tăng là chi phí vận chuyển tăng và nhu cầu tích trữ do các hạn chế chống dịch gắt gao", các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định.
Kể từ tháng 3, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt những hạn chế di chuyển và đưa ra các lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực để ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới. Những biện pháp chống dịch gắt gao đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận tải.
Giá rau tươi tháng 4 tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trái cây tươi tăng 14,1%. Giá thịt lợn - đóng góp lớn vào CPI của Trung Quốc - tăng nhẹ 1,5%.
Giá nhiên liệu cho giao thông vận tải tăng 28,4% so với một năm trước đó do đà tăng của giá dầu và hàng hóa.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc không chịu nhiều áp lực như tại Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu ở Trung Quốc lao dốc do triển vọng thu nhập không chắc chắn.
Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp thậm chí còn giảm giá để thu hút người mua. Theo một cuộc khảo sát, các doanh nghiệp đang giảm giá nhiều nhất kể từ tháng 5/2020.
Triển vọng kinh tế và việc làm u ám khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu. Ảnh: Reuters. |
Một cuộc khảo sát khác chỉ ra dù chi phí sản xuất tăng mạnh, giá bán chỉ tăng nhẹ do các công ty cố gắng duy trì tính cạnh tranh và thu hút người mua.
Hôm 3/5, Starbucks cho biết doanh số bán hàng tại các cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm 23% trong quý kết thúc vào ngày 3/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FactSet, con số này tệ hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,2% mà giới phân tích dự báo trước đó.
“Điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc tồi tệ đến mức chúng tôi gần như không thể dự đoán hiệu suất hoạt động tại đây trong nửa cuối năm”, CEO Howard Schultz chia sẻ. Ông nhấn mạnh tình trạng bất ổn do lạm phát và kế hoạch đầu tư của công ty.
Còn với Apple, dù gần như mọi nhà máy lắp ráp của hãng ở Thượng Hải đều đã tái khởi động sản xuất, tập đoàn cho biết lệnh phong tỏa sẽ khiến doanh thu quý II lao dốc 4 tỷ USD xuống còn 8 tỷ USD.
Chi phí sản xuất tăng cao
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 4 ghi nhận mức tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn mức dự báo 7,7% của các nhà kinh tế được Reuters khảo sát.
Trong đó, giá mua tăng nhanh hơn nhiều so với giá tại cổng nhà máy, tức giá hàng hóa được bán ở các nhà máy để sản xuất thêm hoặc bán cho nhà phân phối.
Theo ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chiến lược và Vĩ mô tại China Renaissance, đó là dấu hiệu cho thấy áp lực chi phí được phân bổ không đồng đều giữa các ngành.
Các biện pháp phong tỏa đã làm xói mòn hiệu quả của việc nới lỏng chính sách và tác động tới cầu nhiều hơn cung
Nhà kinh tế trưởng Robin Xing của Morgan Stanley
Ông nhấn mạnh rằng các chính sách tài chính và tiền tệ là "rất cấp thiết" nhằm hỗ trợ có mục tiêu cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Con số này thấp hơn mức dự báo trung bình 48 trước đó của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát.
Hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh đã phơi bày cái giá mà Trung Quốc phải trả khi theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.
"Các biện pháp phong tỏa đã làm xói mòn hiệu quả của việc nới lỏng chính sách và tác động tới cầu nhiều hơn cung", nhà kinh tế trưởng Robin Xing của Morgan Stanley bình luận.
Vào cuối tháng 4, công ty đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 4,2%. Các nhà kinh tế cho rằng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh kéo dài sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đó, mức dự báo được Morgan Stanley đưa ra là 4,6%.