Theo dữ liệu của Coin Desk hôm 30/4 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã chính thức mất mốc 53.000 USD/đồng. Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới hiện được giao dịch ở mức 52.836 USD/đồng, giảm hơn 3% so với một ngày trước đó.
Giá Bitcoin biến động mạnh mẽ trong vòng 24 giờ qua. Giá có thời điểm đạt 56.458 USD/đồng, rồi lao dốc 6,4% xuống dưới ngưỡng 53.000 USD/đồng. Tính từ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng được thiết lập hôm 14/4, Bitcoin đã giảm giá hơn 18%.
Trao đổi với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định giá Bitcoin có thể sụt giảm 30%, thậm chí 50-80% sau khi tăng mạnh. Tuy nhiên, một khi Bitcoin trở thành kênh đầu tư chính của các tổ chức đầu tư lớn, đồng tiền mã hóa sẽ đủ sức thách thức vàng.
Giá Bitcoin hôm 30/4 mất mốc 53.000 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk. |
Biến động mạnh
"Thị trường tiền mã hóa đang biến động theo đường parabol và chúng ta có thể chứng kiến giá giảm bất cứ lúc nào", giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á trả lời Zing. Do đó, theo ông Hartsell, các tin tức tiêu cực xoay quanh Bitcoin như đề xuất tăng thuế thu nhập của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã châm ngòi cho một đợt sụt giảm lớn.
Tuy nhiên, gần như ngay sau khi đợt giảm giá kết thúc, hệ thống đã bắt đầu trở lại. Hôm 26/4, giá Bitcoin rơi xuống mức thấp tuần 47.200 USD/đồng rồi nhanh chóng bật tăng.
"Giá Bitcoin đã trải qua một số lần biến động mạnh. Giá đi lên theo đường parabol hoặc hình thành bong bóng, sau đó giảm khoảng 30% trong vòng vài giờ hoặc vài ngày, thậm chí lao dốc 50-80%", giáo sư Hartsell giải thích.
Hôm 29/4, Bloomberg đưa tin Social Finance Inc. sẽ cho phép khách hàng đổi khoản hoàn tiền 2% trên thẻ tín dụng SoFi sang Bitcoin hoặc Ether. "Chúng tôi khao khát sự đổi mới và luôn lắng nghe các thành viên của mình", Giám đốc điều hành Anthony Noto khẳng định.
Biến động giá của Bitcoin trong vòng một tuần qua. Ảnh: Coin Desk. |
"Điều họ muốn nhất là cổ phiếu, thứ hai là tiền mã hóa", ông nói thêm. SoFi cũng lên kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư 15 loại tiền mã hóa khác vào tuần sau.
Tương tự SoFi, Mastercard Inc. cũng cho biết đang kết hợp với sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Gemini. Hồi tháng 12, Visa tiết lộ đã hợp tác cùng startup BlockFi để tạo ra một thẻ riêng chuyên chuyển đổi khoản hoàn tiền 1,5% khi mua hàng sang Bitcoin.
Ông Noto là cựu nhân viên giao dịch công nghệ ở Goldman Sachs và giám đốc điều hành tại Twitter trước khi gia nhập SoFi. Ông ví sự trỗi dậy của Bitcoin giống Amazon và EBay vào cuối những năm 1990. Đó là thời điểm các công ty vẫn còn là những khoản đầu tư biến động mạnh.
"Bitcoin đã tự chứng minh là một tài sản vô cùng giá trị. Tuy nhiên, chúng chỉ nên chiếm một phần nhỏ trong tài sản, bởi tiền mã hóa rất dễ bay hơi", ông nói thêm.
"Liệu giá Bitcoin có trở lại hay không? Tôi cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự biến động giá mạnh, cho đến khi các tổ chức đầu tư đầu tư chắc chắn hơn vào Bitcoin. Dường như họ đang rất hào hứng và muốn thử nghiệm nó", giáo sư Layne Hartsell nói với Zing.
Bitcoin thách thức vàng
Theo ông, nếu các tập đoàn lớn coi Bitcoin là một kênh đầu tư thực sự, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới sẽ đủ sức thách thức vàng. Ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đã bám sát bạc.
Theo các chuyên gia của ngân hàng JPMorgan, một khi biến động giá của Bitcoin tương tự biến động giá vàng, thị trường này sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức (quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm...). Dòng vốn đầu tư tư nhân vào vàng (ở cả các quỹ ETF lẫn vàng thỏi) có thể chuyển sang Bitcoin, đẩy giá lên 146.000 USD/đồng.
"Sẽ mất nhiều thời gian để giá Bitcoin có biến động tương tự giá vàng. Chúng tôi cho rằng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm. Điều đó có nghĩa là mục tiêu giá 146.000 USD của Bitcoin là dài hạn", các chuyên gia giải thích thêm.
Nếu các tập đoàn lớn coi Bitcoin là một kênh đầu tư thực sự, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới sẽ đủ sức thách thức vàng
Giáo sư Layne Hartsell
Theo giáo sư Layne Hartsell, dựa vào biến động của giá Bitcoin trong quá khứ, nếu các tổ chức lớn không nhập cuộc mạnh mẽ, Bitcoin có thể tiếp tục hứng chịu áp lực giảm.
Vị giáo sư cũng đề cập đến áp lực pháp lý đối với tiền mã hóa. Một số quốc gia như Singapore và Nhật Bản đã nhận thấy tiềm năng của blockchain và cởi mở với công nghệ này. Tuy nhiên, những quốc gia khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn siết chặt quy định, thậm chí cấm hệ thống tiền mã hóa. "Tình hình khá phức tạp do tính toàn cầu và sự phân tán của tiền mã hóa", ông Hartsell giải thích.
Hai sàn giao dịch tiền mã hóa của Thổ Nhĩ Kỳ ngừng hoạt động chỉ trong vòng vài ngày. Hôm 23/4, sàn giao dịch Vebitcoin cho biết sẽ tạm dừng hoạt động với lý do điều kiện tài chính xấu đi. Ban Điều tra Tội phạm Tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa các tài khoản của công ty và mở cuộc điều tra đối với sàn giao dịch và ban lãnh đạo.
Vebitcoin sụp đổ chỉ vài ngày sau khi sàn giao dịch tiền mã hóa Thodex dừng hoạt động. Nhà sáng lập 27 tuổi của Thodex đã trốn ra nước ngoài. Theo tờ Haberturk, sàn Thodex có khoảng 390.000 người dùng. Các luật sư tiết lộ họ có thể thiệt hại lên tới 2 tỷ USD.