Theo dữ liệu của Coin Desk ngày 26/8 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin tiếp tục lao dốc và mất mốc 47.000 USD/đồng. Giá có thời điểm rơi xuống mức 46.300 USD/đồng. Đà giảm khiến giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin rơi xuống dưới ngưỡng 900 tỷ USD.
Các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt sụt giá. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai - ở mức 3.100 USD/đồng, giảm 1,66% so với một ngày trước đó. XRP, Cardano và Dogecoin chứng kiến giá giảm lần lượt 5,51%, 5,23% và 5,11%.
Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm 2,49% so với một ngày trước đó xuống ngưỡng 2.000 tỷ USD.
Đà tăng giá mạnh của Bitcoin - bắt đầu từ hồi giữa tháng 7 - đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Reuters. |
Điều chỉnh lành mạnh
Giá Bitcoin quay đầu giảm sau khi xuyên thủng ngưỡng quan trọng 50.000 USD/đồng, mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng qua. Kể từ giữa tháng 7, giá bật tăng từ đáy 3 tháng (hơn 29.000 USD/đồng), lần lượt lấy lại các mốc quan trọng 42.000 USD/đồng, 45.000 USD/đồng và 50.000 USD/đồng.
Đà tăng của tiền mã hóa cũng đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường lần đầu cán mốc 2.000 tỷ USD kể từ cuối tháng 5.
"Về dài hạn, tôi vẫn tin rằng đà tăng giá của Bitcoin vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, nó đã mất đà trong vài ngày gần đây. Chúng ta có thể xem đây như một đợt điều chỉnh nhỏ", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại Anh) trả lời Zing.
"Giá Bitcoin đã tăng hơn 70% trong vỏn vẹn một tháng. Do đó, đây là một đợt điều chỉnh lành mạnh", ông nhận định.
Theo ông Erlam, Bitcoin thiếu động lực tăng giá sau khi vượt ngưỡng 50.000 USD/đồng và quay đầu lao dốc. "Vì vậy, tôi cho rằng giá có thể suy yếu trong tuần này. Tuy nhiên, một đợt điều chỉnh là tốt cho xu hướng tăng giá kéo dài hơn", ông dự báo.
Giá Bitcoin mất mốc 47.000 USD/đồng hôm 26/8. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền cũng rơi xuống dưới ngưỡng 900 tỷ USD. Ảnh: CoinMarketCap. |
"Tôi tin rằng giá Bitcoin hoàn toàn có thể trở lại mức kỷ lục, thậm chí vượt xa hơn nữa. Tuy nhiên, giá sẽ trải qua các đợt điều chỉnh nhỏ trước khi đạt được những mức cao này", vị chuyên gia nói thêm.
Nhiều chuyên gia nhận định đà tăng đưa giá Bitcoin vượt ngưỡng 50.000 USD/đồng có thể không kéo dài lâu. Dựa trên phân tích kỹ thuật, sự phục hồi của đồng tiền có nguy cơ tan biến. Chuyên gia Katie Stockton tại Fairlead Strategies trích dẫn các chỉ báo cho thấy giá sẽ đi ngang, thậm chí lao dốc trong vòng 2 tuần tới.
Theo bà Daniela Hathorn - nhà phân tích tại DailyFx.com, 50.000 USD/đồng là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với Bitcoin. "Do đó, chúng ta sẽ phải mất thêm thời gian để chờ đợi động lực tăng giá mới", bà nói thêm.
"Việc quay đầu giảm về mức 48.000 USD/đồng hôm 24/8 là dấu hiệu đầu tiên của rắc rối", bà cảnh báo. Tuy nhiên, theo bà Hathorn, miễn là giá Bitcoin duy trì trên mức trung bình động 200 ngày 45.750 USD/đồng, xu hướng tăng sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào trong dài hạn.
Hội nghị thường niên của FED
Ngoài ra, giới đầu tư cũng chờ đợi thông tin mới từ cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 27/8.
"Động lực tăng giá của Bitcoin có thể tạm dừng cho đến khi Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại hội nghị chuyên đề thường niên được tổ chức ở Jackson Hole", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) bình luận với Zing.
Tâm điểm của thị trường tuần này là hội nghị chuyên đề hàng năm của FED. Tương tự Bitcoin, các tài sản rủi ro khác cũng đồng loạt sụt giá trước sự kiện.
Trong phiên giao dịch ngày 26/8, chỉ số S&P 500 mất 0,08%, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,04%.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 6,6% trong quý II/2021, theo ước tính của Bộ Thương mại hôm 26/8, tăng nhẹ so với mức tăng 6,5% hàng năm được báo cáo trước đó.
Tôi tin rằng giá Bitcoin hoàn toàn có thể trở lại mức kỷ lục, thậm chí vượt xa hơn nữa. Tuy nhiên, giá sẽ trải qua các đợt điều chỉnh nhỏ trước khi đạt được những mức cao này
- Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Nói với CNBC, bà Esther George - Chủ tịch FED tại Kansas - tiết lộ rằng "với những tiến bộ đã thấy", việc cắt giảm chương trình mua tài sản là "phù hợp".
"Nhìn vào mức tăng trưởng việc làm vào tháng trước, tháng trước nữa, nhìn vào lạm phát ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng các chương trình hiện tại không còn cần thiết", bà George chia sẻ. "Vì vậy, tôi sẽ sẵn sàng nói về chính sách siết chặt sớm hơn", bà nói thêm.
Việc FED thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản - góp phần giúp nền kinh tế đối phó với tác động từ đại dịch - có thể tác động tiêu cực đến những tài sản rủi ro, bao gồm Bitcoin.
Tuy nhiên, nói với Zing, ông Moya nhận định nếu Chủ tịch FED tiếp tục lưỡng lự trong việc đưa ra thời điểm ngân hàng trung ương cắt giảm quy mô chương trình thu mua tài sản, đà tăng giá của Bitcoin sẽ được hỗ trợ.