Dữ liệu từ Coinmarketcap cho thấy Bitcoin (BTC) đang được giao dịch quanh mốc 41.200 USD, tăng 2,1% so với hôm qua. Trong 24 giờ trước đó, đồng tiền số lớn nhất vẫn trên đà giảm. Ở ngày 13/4, có thời điểm BTC xuống còn 39.500 USD.
Buổi tối 13/4, Bitcoin có lượng mua vào lớn, đẩy giá đồng tiền mã hóa này vượt mốc 41.000 USD. Trong đêm cùng ngày, có thời điểm khối lượng giao dịch 24 giờ của BTC đạt 69 triệu USD, tăng gấp đôi hôm trước đó. Hiện tổng vốn hóa thị trường của Bitcoin là khoảng 783 triệu USD. Tuy nhiên, so với đỉnh gần 48.000 USD trong năm 2022, giá trị của Bitcoin đã giảm khoảng 15%.
Giá Bitcoin vượt mốc 41.000 USD trong đêm 13/4. Ảnh: Coinmarketcap. |
Việc tăng giá của BTC trong đêm 13/4 cũng kéo lại sắc xanh cho loạt altcoin. Ethereum (ETH) đã quay lại mốc 3.000 USD, hiện được giao dịch ở giá 3.097 USD, tăng 1,47% so với 24 giờ trước đó. BNB, XRP, ADA, LUNA, AVAX cũng đạt mức tăng trưởng 1-3%.
Theo Cointelegraph, việc Bitcoin tăng giá có thể được ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ. Trong sáng 13/4 (theo giờ Mỹ) thị trường chứng khoán Phố Wall đã mở cửa trong sắc xanh.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không tỏ ra quá lạc quan trước việc giá Bitcoin quay đầu. Trước đó, nhà giao dịch tiền số nổi tiếng Crypto Ed đã dự đoán thị trường sẽ có một đợt tăng nhẹ trước khi điều chỉnh sâu hơn, qua mốc 39.000 USD. Theo Alternative, chỉ số cảm xúc của thị trường đầu tư tiền số đang ở mốc 25 điểm, sợ hãi tột độ.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất có thể sẽ bóp nghẹt thị trường tiền mã hóa. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) là cơ quan hoạch định chính sách của FED (Cục Dữ trữ Liên bang). Cơ quan này vừa phê duyệt đợt nâng lãi suất đầu tiên hôm 16/3. Để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở Mỹ, FED sẽ có thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 lần vào năm 2023.
Giới quan sát lo ngại FED sẽ tiếp tục hành động mạnh tay bởi tình hình lạm phát ở Mỹ vẫn còn đáng lo ngại. Theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.