Khoảng 10 năm trước, thị trường bất động sản phía đông Hà Nội, gồm các quận Long Biên, Gia Lâm và Văn Giang (Hưng Yên) ít được chú ý bởi nguồn cung ít và sản phẩm không đa dạng. Thế nhưng vài năm gần đây, khu vực này xuất hiện nhiều dự án lớn với các chủ đầu tư như Ecopark, Vinhomes, Masterise, BRG, Sunshine, Mipec…
Thị trường bất động sản khu vực này dần trở nên sôi động, giá đất và nhà cũng tăng nhanh chóng trong các năm qua. Theo khảo sát, giá bán của các sản phẩm nhà, đất nền, chung cư, shophouse... khu vực phía đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác tại Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như trung tâm thương mại.
Đơn cử, giá nhà đất bình quân dao động trong khoảng 30-80 triệu đồng/m2, tùy khu vực và vị trí; giá căn hộ chung cư dao động trong khoảng 30-50 triệu đồng/m2; biệt thự dao động 40-100 tỷ đồng, thậm chí nhiều sản phẩm vượt 100 tỷ đồng...
Thị trường bất động sản sôi động
Anh Hoàng Khanh, chuyên môi giới bất động sản khu vực quận Long Biên thừa nhận giá đất khu vực này tăng lên khoảng 10-12% mỗi năm. "Sau khi thị trường chứng khoán và vàng biến động mạnh, người dân có xu hướng tìm đến bất động sản để đầu tư khiến giá đất các khu vực tăng lên, đặc biệt là khu đông Hà Nội", anh nói.
Theo môi giới này, giá đất nền khu vực Ngọc Thụy, Long Biên đang dao động khoảng 55 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngõ rất nhỏ và trên 80 triệu đồng/m2 đối với khu vực rộng hơn.
Không riêng đất nền, nhà liền thổ, phân khúc chung cư tại khu vực quận này cũng ghi nhận khoảng giá mới. Riêng phân khúc căn hộ chung cư tại đây đang được rao bán với mức giá 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí những căn hộ cao cấp được chào bán với mức giá lên tới 55 triệu đồng.
Đơn cử, căn hộ 87 m2 thuộc dự án Berriver Long Biên đang được rao bán giá 3,2 tỷ đồng, tương đương gần 37 triệu đồng/m2; căn hộ 50 m2 thuộc dự án Le Grand Jardin được rao bán giá 38 triệu đồng/m2... Biệt thự tại quận này cũng đang được giao dịch trong mức 60-100 tỷ đồng, diện tích khoảng 150-200 m2, nhà hoàn thiện xong...
Các căn hộ thuộc dự án Eco City Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đang được rao bán với mức giá dao động 30-35 triệu đồng/m2. Ảnh: T.T. |
Tại Gia Lâm, giá đất khu vực Đông Dư cũng đã liên tục tăng trong các năm qua. Hiện mức giá đã lên mức 44-52 triệu đồng/m2, tùy vị trí trong khi cuối năm 2021 ở mức 35-40 triệu đồng/m2.
Chung cư phân khúc trung bình, cao cấp tại khu vực này cũng được bán với giá khoảng 40-50 triệu đồng/m2, biệt thự được giao dịch khoảng 40-50 tỷ, thậm chí chạm mốc 100 tỷ đồng. Đơn cử, chung cư ở Ecopark dao động 30-70 triệu đồng/m2, Vinhomes Ocean Park 28-41 triệu đồng/m2, Masterise giá bán khoảng 45-55 triệu đồng/m2...
Bên cạnh đó, biệt thự tại Gia Lâm cũng có mức giá tăng khá mạnh. Đơn cử, biệt thự song lập có diện tích 135 m2 thuộc dự án Vinhomes Ocean Park đang được rao bán với giá 207 triệu đồng/m2; biệt thự 160-200 m2 thuộc dự án Ecopark được rao bán giá 150-180 triệu đồng/m2...
Tại Hưng Yên, một số dự án chung cư có giá chào bán khá cao, tương ứng với căn hộ cao cấp quận trung tâm Hà Nội. Đơn cử, dự án The Empire Vinhomes Ocean Park đang chuẩn bị mở bán giai đoạn 1 các căn shophouse, liền kề 48-120 m2 với mức giá từ 5,5 tỷ đồng.
Đà tăng có tương xứng?
Thực tế, thời gian qua khu vực phía Đông Hà Nội được chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhiều sản phẩm đa dạng, chủ đầu tư lớn khiến giá đất liên tục thiết lập mặt bằng mới. Trong đó, có loạt công trình nghìn tỷ như cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù, quốc lộ 5 kéo dài...
Đáng chú ý, nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) vừa được hoàn thành. Đây là một nút giao hiện đại, quy mô 6 đường dẫn, được "đấu nối" với các tuyến lưu thông lớn như Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng vừa được chính quyền Hà Nội ban hành cũng khiến giá bất động sản khu vực này rục rịch tăng theo.
Theo quy hoạch chung xây dựng TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt, khu đông Hà Nội sẽ xây dựng 4 cây cầu lớn sẽ tạo thành trục giao thông xuyên suốt hai bờ sông Hồng, làm tăng tính kết nối giữa khu vực trung tâm nội thành Hà Nội với các quận, huyện khu vực phía đông và làm giảm bớt gánh nặng khi di chuyển cho người dân.
Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng và đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng giúp thị trường bất động sản khu đông Hà Nội ngày càng sôi động. Ảnh: Việt Linh. |
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng hiện nay tất cả bất động sản ở Việt Nam đều đang tăng không đúng giá thị trường.
Tuy nhiên, theo ông thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, các dự án chưa được phê duyệt. Trong khi đó, người dân có xu hướng sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào bất động sản khiến nhu cầu tăng cao. Điều này dẫn đến nhiều nơi có giá đất tăng bất thường.
"Một số vùng ở Mê Linh, Sóc Sơn không có cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát triển nhưng giá đất tăng vọt gấp 2-3 lần. Trước đây, giá đất khu vực này chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng nay đã chạm mốc 40 triệu đồng/m2...", ông dẫn chứng.
Riêng khu vực phía đông Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, ông Đính cho rằng quy hoạch ven sông Hồng đã được hoàn chỉnh tạo ra quỹ đất giá trị, đặc biệt là ở những khu vực quy hoạch đất ở.
Về mức giá bất động sản tại các khu vực này, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng đang quá cao. Đặc biệt, đất ở khu vực Gia Lâm, Đông Anh đang ở mức 150-160 triệu đồng/m2 tương đương với khu vực Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) và Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) trong khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa tương xứng.
"Nếu đầu tư, mua ở các loại hình bất động sản khu vực này, người dân cần chú ý quy hoạch và tính pháp lý. Nếu như đất ở nằm trong quy hoạch ổn định thì có thể đầu tư, nếu không phải đất ở nằm trong quy hoạch ở thì phải hiểu rằng cần có quá trình thủ tục rất phức tạp sẽ mất thời gian và chi phí", ông lưu ý.