Trước biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong nước, thị trường ngoại hối hôm nay (23/3) cũng biến động rất mạnh khi giá bán USD qua kênh chính thức của các ngân hàng thương mại đã tăng lên mức cao kỷ lục.
23.760 đồng đổi một USD tại ngân hàng
Trong phiên sáng nay, khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá trung tâm thêm 7 đồng so với cuối tuần trước, đạt 23.259 đồng/USD, hàng loạt ngân hàng thương mại đã nâng giá bán USD vượt mốc 23.600 đồng.
Tuy nhiên, tỷ giá quy đổi ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh vào phiên chiều, hiện nhiều ngân hàng lớn đã nâng giá bán đồng bạc xanh vượt mức 23.700 đồng.
Cụ thể, Vietcombank hiện niêm yết giá bán USD ở mức 23.760 đồng, tăng 120 đồng so với buổi sáng và tăng 230 đồng so với cuối tuần trước. Giá mua vào cũng được nhà băng này tăng tương ứng ở mức 23.570 đồng/USD với hình thức giao dịch tiền mặt và 23.600 đồng/USD với hình thức mua chuyển khoản.
Tính trong một tuần gần nhất, tỷ giá quy đổi ngoại tệ tại đây đã tăng tới 470 đồng, tương đương mức tăng 2%/tuần.
Tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh tại Vietinbank hiện tại cũng đã tăng lên ngưỡng 23.570 đồng/USD (mua) và 23.730 đồng/USD (bán). So với buổi sáng, giá mua bán ngoại tệ tại nhà băng này đã tăng thêm 100 đồng, còn nếu so với cuối tuần trước, mức tăng lên tới 185 đồng.
Tương tự, tỷ giá thu đổi tại BIDV chiều nay đã bỏ xa mốc 23.700 đồng hiện giao dịch ở mức 23.570-23.730 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng trên 200 đồng.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, giá bán đồng bạc xanh chiều nay cũng đã tăng xấp xỉ 150 đồng so với buổi sáng, lên vùng 23.750 đồng/USD.
Trong đó, Techcombank thu mua USD qua hình thức trả tiền mặt ở mức 23.590 đồng, và 23.610 đồng với chuyển khoản. Giá bán được ngân hàng tăng lên mức 23.750 đồng/USD. Đây cũng là giá bán ra tại các điểm thu đổi của MSB, HDBank. Trong khi ACB và Eximbank hiện niêm yết giá bán ở mức 23.720 đồng/USD.
Giá USD qua kênh chính thức tăng mạnh khiến thị trường tự do “nổi sóng”. Nhiều đầu mối thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đẩy giá bán USD tăng hơn 300 đồng, chạm mốc 24.000 đồng/USD. Giá mua cũng được các đầu mối này tăng lên xấp xỉ 23.850 đồng.
Diễn biến tỷ giá tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua phiên giảm trên 6% lần thứ 2 kể từ năm 2001 (đó diễn ra ngày 9/3). Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index - đo sức mạnh đồng USD với 6 ngoại tệ khác vẫn duy trì ở mức trên 102 điểm.
NHNN sẽ can thiệp thị trường nếu cần
Trước diễn biến tăng “nóng” của tỷ giá, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, dù tỷ giá tăng mạnh nhưng thanh khoản thị trường vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp vẫn được thị trường đáp ứng.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định có đầy đủ công cụ để thể tham gia thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Ảnh: N.H. |
Vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, từ đầu năm 2020, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định và NHNN đã tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng Dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh.
Theo ông Hà, nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước tăng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng đã mất giá. Dù Ngân hàng trung ương các nước đã có các chính sách hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng cần có độ trễ trước khi tác động tới thị trường.
“Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước”, ông Phạm Thanh Hà nói.
Tuy nhiên, vị này cho biết, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3. Trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương.
Ông Hà cũng khẳng định, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành với xu hướng ổn định thị trường ngoại tệ. Với việc liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối, cơ quan quản lý có thể can thiệp thị trường khi cần thiết.
“Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ”, ông Hà khẳng định.