Gần 90% người Brazil dùng điện thoại Android, theo số liệu từ Kantar. Tại một số nước như Argentina, Brazil, Mexico, điện thoại Android chiếm trên 75% thị phần. Đây sẽ là thử thách lớn cho chiếc iPhone 6, được cho là ra mắt trong tháng 9.
Trên thế giới, có những nền kinh tế hiện đại với hàng triệu người dùng smartphone, nhưng có một con số lớn hơn nhiều những người dùng nghèo khó tại các nước đang phát triển. Rất ít trong số họ có cơ hội mua một chiếc iPhone 6.
Người Brazil phấn khích sau khi Apple mở cửa hàng Apple Store đầu tiên hồi đầu năm 2014, nhưng bao nhiêu phần trăm trong số họ đủ tiền mua một chiếc iPhone đời mới? |
Khi sản phẩm này ra mắt, Apple sẽ phải tham dự một cuộc chiến, nơi sản phẩm có giá xấp xỉ 700 USD của họ phải cạnh tranh với những model có giá 100 đến 200 USD chạy Android.
Số liệu từ Kantar cho thấy, ngay cả một nền tảng còn non trẻ như Windows Phone cũng có thị phần lớn hơn iOS tại các nước Mỹ Latin. Thậm chí, điều này xảy ra ngay tại những nước đã phát triển. Chẳng hạn, thị phần điện thoại Android tại Tây Ban Nha giảm từ 93 xuống 87% phần lớn bởi điện thoại Windows Phone.
Điều này rất quan trọng, bởi ngày càng nhiều người dùng truy cập mạng qua điện thoại và những con số tiềm năng nhất lại đang thuộc về các nước nghèo. Apple thậm chí chưa có bất kỳ một kênh phân phối nào tại những nước nói trên.
Thuật ngữ “nghèo” được sử dụng một cách đặc thù mang tính kinh tế, so với những nước “giàu” tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ là 47.000 USD/năm, trong khi tại Ấn Độ, con số này chỉ là 3.560 USD, theo số liệu từ World Bank.
Khoảng cách này càng nới rộng thêm khi giá bán iPhone tại Mỹ chỉ xấp xỉ 700 USD, trong khi tại Brazil, người dùng phải bỏ ra khoảng 1.200 USD cho một chiếc iPhone. Tại Mỹ, người ta chỉ phải tích góp 1-2 tuần lương để mua một chiếc iPhone, trong khi người dân Brazil hay Ấn Độ sẽ phải tiết kiệm khoảng một tháng lương.
Trên thực tế, Apple cũng đã có những chính sách linh động bằng việc cho bán các sản phẩm đời cũ như iPhone 5, 4S với giá thấp hơn tại các thị trường đang phát triển. Giá bán trung bình của iPhone đã giảm xuống dưới 550 USD sau khi Apple thực hiện chính sách nói trên.
Giá bán trung bình của iPhone và iPad trong hơn 3 năm qua. |
Hiện tại, có thể coi iPhone 4 là sản phẩm cạnh tranh với các model giá rẻ từ iPhone. Tuy nhiên, chiến lược này cũng đang bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng khi Google tung ra chương trình Android One với những smartphone có giá bán chỉ 100 USD, sẽ được áp dụng đầu tiên tại Ấn Độ.
Đó là chưa kể đến việc, hàng tá những công ty Trung Quốc sẵn sàng cắt giảm giá bán điện thoại Android xuống mức tối đa với các mẫu điện thoại ăn theo các sản phẩm của Samsung hay HTC. Phần lớn các sản phẩm này có giá tốt hơn nhiều so với iPhone 4, chưa nói đến iPhone 6. Trong khi đó, chúng về cơ bản vẫn có kích thước màn hình tương đương, chạy cùng những ứng dụng có trên iPhone.
Chiến lược của Apple không quan tâm đến phân khúc tầm thấp của thị trường. Họ chỉ muốn chiếm lĩnh phân khúc tầm cao, nơi lợi nhuận kiếm được thường ở mức rất cao. Chiến lược này vẫn có hiệu quả, ít ra là đến thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai thì sao?
Đâu sẽ là điểm hấp dẫn của một nền tảng chỉ có khoảng 20% người dùng trên toàn thế giới? Hầu hết các nhà phát triển đều muốn ứng dụng của họ đến tay càng nhiều người dùng càng tốt, hơn là giới hạn trong một nhóm người dùng nhất định. Tại sao người dùng lại chọn những chiếc smartphone cũ kỹ với màn hình 3,5 - 4 inch, trong khi họ có thể sở hữu một chiếc máy Android 5 inch với giá tiền thậm chí còn thấp hơn.
Khi iPhone 6 ra mắt, các sản phẩm như iPhone 5C, 4S nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, chắc chắc mức giảm sẽ không xuống đến 100 USD để cạnh tranh trực tiếp với điện thoại Android. Apple đang ngày càng khó khăn. Người ta đang chờ đợi vào động thái phản ứng tiếp theo của hãng sản xuất vẫn được coi là ông vua trên thị trường smartphone.